Ưu và nhược điểm của phương pháp sinh thường

Cơn đau vượt cạn là nỗi ám ảnh khiến nhiều mẹ không dám chọn sinh thường. Tuy nhiên, phương pháp này lại mang đến nhiều lợi ích sức khỏe cho mẹ và bé.

0
836

Tôi tin rằng bất kỳ người mẹ nào trước khi bước vào ca vượt cạn cũng đều không thoát khỏi hai cảm xúc: một là hào hứng, hai là lo sợ. Hào hứng là vì sau 9 tháng mong ngóng sắp được gặp con. Lo sợ là vì nỗi ám ảnh cơn đau sinh thường sau khi nghe mẹ này, mẹ kia chia sẻ. Trong tưởng tượng của mẹ, cơn đau sinh thường là nỗi kinh hoàng. Vì lo lắng, vì sợ đau nên nhiều mẹ không dám chọn sinh thường. Tuy nhiên, nếu biết trước những ưu điểm của phương pháp sinh thường, cơn đau vượt cạn sẽ không còn là nỗi ái ngại của mẹ.

Ưu điểm của phương pháp sinh thường

Theo Ths. Bác sĩ Lê Văn Hiền – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh Viện Phụ sản Mêkông, sinh thường (sinh ngả âm đạo) là phương pháp sinh lý thích hợp nhất cho cả mẹ và con

1. Lợi ích cho mẹ

  • Sinh thường sẽ mất máu ít hơn và không bị ảnh hưởng của gây mê, gây tê.
  • Sinh thường giúp mẹ hồi phục nhanh hơn. 
  • Thời gian nằm viện của sản phụ sinh thường sẽ ngắn (2-3 ngày) và chi phí thấp hơn.

2. Lợi ích cho con

  • Quá trình chuyển dạ sinh thường sẽ kích thích tuyến thượng thận thai nhi tiết corticosteroids giúp phổi thai nhi trưởng thành hơn nên khi sinh bé sẽ ít bị suy hô hấp do chậm hấu thu dịch phế nang.
  • Quá trình chuyển dạ và sinh thường diễn ra khoảng 8-12 tiếng đối với con rạ và 16-24 tiếng đối với con so. Do đó, bé sẽ được đẩy ra từ từ cộng với sức ép của ống sinh dục giúp mẹ đẩy các chất dịch ứ động ra khỏi phổi thai nhi.
  • Nhờ tiếp xúc với hệ vi sinh thường trú của mẹ khi đi qua ống âm đạo, giúp cho bé có hệ vi sinh đường ruột để bảo vệ bé tốt hơn, bé sẽ tiêu hóa tốt hơn.
  • Sinh thường giúp bé được gần mẹ và bú mẹ sớm hơn.

Sinh thường giúp bé được gần mẹ và bú mẹ sớm hơn – Ảnh: babycenter

Nhược điểm của phương pháp sinh thường

Bên cạnh những lợi ích sức khỏe dành cho mẹ và bé, phương pháp sinh thường cũng có nguy cơ trong một số trường hợp không thể sinh mổ nhưng vẫn cố gắng sinh qua ngả âm đạo.

1. Nguy cơ cho mẹ

  • Vỡ tử cung.
  • Tổn thương nặng nề đường sinh dục, rách sâu – phức tạp, hậu quả sau này có thể sa sinh dục, đau khi giao hợp, đau vùng chậu mãn tính.
  • Băng huyết sau sinh do chuyển dạ kéo dài.
  • Nhiễm trùng hậu sản.

2. Nguy cơ cho con

  • Ngạt sau sinh.
  • Chấn thương não, xuất huyết não.
  • Gãy xương bé (thường gặp nhất là gãy xương đòn), liệt đám rối thần kinh cánh tay.
  • Chết trong bụng mẹ,…

Ths. Bác sĩ Lê Văn Hiền – PGĐ chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Mêkông, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ.