Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ chăm sóc như thế nào để nhanh khỏi?

0
BỞI congdongbau

Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ chăm sóc như thế nào để nhanh khỏi?

Đau mắt đỏ là một trong những bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và khả năng bùng phát thành dịch rất nhanh chóng. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên chủ động tìm hiểu một số cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ để tránh nguy cơ gặp phải biến chứng trầm trọng.

1. Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ nguyên nhân do đâu?

Bệnh còn được gọi với tên là viêm kết mạc mắt, là tình trạng một số siêu vi xâm nhập khiến cho lớp màng của nhãn cầu mắt bị viêm và sung huyết. Bất kỳ ai cũng có thể mắc, ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là từ hè tới cuối thu. Trẻ sơ sinh, trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu, nếu tiếp xúc với người mắc hoặc ở trong vùng dịch, nguy cơ sẽ rất cao.

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ cho trẻ có thể tới từ sự tấn công của virus, vi khuẩn hoặc phản ứng, kích ứng với một số yếu tố, chẳng hạn: phấn hoa, bụi bẩn, thuốc nhỏ mắt,...

Các loại virus có thể dẫn tới đau mắt đỏ như: Enterovirus và Adenovirus, Herpes simplex virus hoặc Varicella zoster virus,… Nếu là do vi khuẩn, thường liên quan tới một số bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai, do vi khuẩn Chlamydia, Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumonia,...

 

Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh có thể tới từ nhiều nguyên nhân

Ngay cả khi chưa biểu hiện ra bên ngoài thì bệnh đã có thể lây lan cho người khác với tốc độ rất nhanh thông qua việc tiếp xúc với dịch, ghèn, rỉ mắt, miệng, mũi của người bệnh. Bởi vậy, khi dùng chung đồ cá nhân như bát, đũa, cốc chén, khăn mặt hoặc bởi chung với người mắc bệnh,... cũng có thể bị lây.

2. Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh có thể diễn biến như thế nào?

Thông thường, khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, có thể trải qua ba giai đoạn bao gồm: ủ bệnh, phát bệnh và hồi phục. Cụ thể như sau:

Ủ bệnh

Sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, các tác nhân sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây nên tổn thương cho các tế bào kết mạc của trẻ. Trẻ lúc này có thể xuất hiện một số triệu chứng, chẳng hạn như: sợ ánh sáng, hơi nhức mắt, đau họng hoặc sốt nhẹ, khó chịu trong người,...

Phát bệnh

Là giai đoạn trẻ xuất hiện các dấu hiệu đặc trưng, đó là đỏ mắt, có thể là một bên trước hoặc cả hai bên, ghèn mắt nhiều khiến cho hai mí bị dính lại, chảy nước mắt, cộm, ngứa mắt,... Một số ít trường hợp có thể bị xuất huyết kết mạc hoặc viêm họng hạch,...

Bệnh thường xuất hiện ở cả hai mắt nên nếu trẻ bị mắc một bên trước, nguy cơ lây lan cho mắt bên kia sẽ rất cao. Bởi khó chịu nên trẻ sẽ có xu hướng dụi mắt nhiều, dễ gây nên các tổn thương cho mắt. Bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu ngoài mắt như sốt, tiêu chảy, trẻ bỏ bú, quấy khóc.

 

Mắt ngứa, ghèn nhiều khiến trẻ khó chịu

Hồi phục

Sau vài ngày, nếu được cha mẹ chăm sóc đúng cách, mắt của trẻ sẽ dần được hồi phục và các dấu hiệu đau, nhức cũng dần thuyên giảm rồi trở lại trạng thái khỏe mạnh như bình thường.

3. Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ điều trị như thế nào?

Tùy từng nguyên nhân gây ra mà khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, việc điều trị được thực hiện một cách phù hợp. Các loại thuốc nhỏ mắt phổ biến thường được dùng tùy theo nguyên nhân gây ra gồm:

  • Nước muối sinh lý: là loại có độ an toàn cao, có thể nhỏ nhiều lần trong ngày để làm dịu mắt, làm mềm ghèn, dử mắt, giúp trẻ thoải mái hơn. 
  • Thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh: Trong trường hợp nguyên nhân gây đau mắt đỏ là do vi khuẩn, trẻ thường sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh để điều trị, chẳng hạn như: Tobramycin (Tobrex), Ciprofloxacin, Ofloxacin, Dyomicin, Neomycin,…
  • Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid: chẳng hạn như dexamethason, prednisolon, fluoromethane,... có thể mang tới tác dụng chống viêm, giảm dịch nhầy. Tuy nhiên, không được dùng thuốc trong thời gian dài bởi có thể gây nguy cơ tăng nhãn áp hoặc đục thủy tinh thể,... Thuốc cũng không được dùng trong trường hợp viêm loét giác mạc.

4. Cha mẹ nên chăm sóc trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ như thế nào?

Đau mắt đỏ thường được chỉ định điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Vì thế, khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, cha mẹ có thể thực hiện một số cách như sau để trẻ nhanh khỏi:

Giữ vệ sinh mắt trẻ

Có thể dùng gạc hoặc khăn sạch, thấm nước, lau nhẹ nhàng vùng mắt, xung quanh mắt. Nếu có ghèn, có thể nhỏ một vài giọt nước muối sinh lí vào tăm bông để tăm bông mềm ra và lấy hết ghèn mắt. Không dùng chung gạc, khăn, tăm bông cho hai mắt.

 

Cha mẹ nên vệ sinh nhẹ nhàng cho mắt trẻ

Nhỏ thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ

Nếu là đau mắt đỏ thông thường, cha mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lí, nhỏ nhiều lần trong ngày để làm giảm cảm giác khó chịu cho trẻ. 

Một số người cho rằng sử dụng sữa mẹ nhỏ vào mắt trẻ hoặc dùng lá trầu không hơ cho ấm rồi đắp lên mắt trẻ, sẽ nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, đây là một số mẹo dân gian chưa được kiểm chứng, hơn nữa, trẻ sơ sinh hệ miễn dịch còn non yếu, làn da mỏng manh, việc sử dụng các phương pháp này có thể khiến bệnh thêm trầm trọng.

Đối với các loại thuốc có chứa thành phần kháng sinh hoặc corticoid, cha mẹ tuyệt đối không tự mua để sử dụng cho con, chỉ dùng trong trường hợp được bác sĩ chỉ định.

Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ

Đối với những trẻ còn bú mẹ, mẹ nên tăng cường ăn uống các chất bổ dưỡng để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Mẹ nên cho con bú hoặc uống nhiều nước hơn để giúp cơ thể có thể đào thải tác nhân gây bệnh.

Các loại thực phẩm chứa vitamin A, C, axit béo, omega-3 có trong sữa tươi, bơ, cá béo, bí ngô, cà chua, rau xanh,... cần được tăng cường.

Đặc biệt, trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như: sốt cao, nước mắt có mủ, hoặc phát ban hay mờ mắt,... cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám, phòng ngừa biến chứng.

 

Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh là hiện tượng không nên coi thường

Có thể nói đau mắt đỏ là bệnh rất phổ biến song cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ bởi vẫn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm cho đôi mắt trẻ.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo