Trầm cảm trong giai đoạn mang thai: nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

0
BỞI congdongbau

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai: nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai là tình trạng không ít thai phụ phải đối mặt. Đây là một dạng rối loạn tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi đồng thời gây ra nhiều tác động đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Vậy tại sao thai phụ bị trầm cảm và nhận diện bằng cách nào để có biện pháp hỗ trợ thai phụ có được thai kỳ khỏe mạnh? Bài viết sau sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể vấn đề này.

1. Nhận diện trầm cảm trong giai đoạn mang thai

1.1. Buồn bã và mất hứng thú

Một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của trầm cảm là cảm giác buồn bã kéo dài và mất hứng thú trong các hoạt động hàng ngày. Lúc này, thai phụ có thể cảm thấy chán nản, không còn hứng thú với những hoạt động mà trước đây họ từng yêu thích như gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, hoặc chăm sóc cho bản thân,...

Cảm giác buồn bã này không chỉ đơn thuần là nỗi buồn nhất thời mà thường kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng. Nó có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào mà không nhất thiết phải liên quan đến một sự kiện cụ thể nào. Theo thời gian, cảm giác đó khiến thai phụ muốn rút lui khỏi cuộc sống xã hội, cô lập bản thân và tránh xa những người xung quanh.

 

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai khiến thai phụ thu mình, tránh xa tiếp xúc xã hội

1.2. Lo âu quá mức

Lo âu là một triệu chứng phổ biến của phụ nữ bị trầm cảm trong giai đoạn mang thai. Thai phụ bị trầm cảm thường lo lắng về nhiều vấn đề khác nhau như: sức khỏe của thai nhi, quá trình sinh nở, khả năng làm mẹ và chăm sóc con sau khi sinh,... Những lo lắng này ngày càng trở nên quá mức, khiến thai phụ bị căng thẳng và mệt mỏi.

Do bị lo âu nên thai phụ hay có suy nghĩ tiêu cực, hay tự vẽ ra các kịch bản xấu nhất có thể xảy đến với mình, bồn chồn, không thể ngồi yên, kém tập trung,... Nhiều thai phụ còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát suy nghĩ lo lắng nên bị mất ngủ, mất tập trung, căng thẳng kéo dài.

1.3. Rối loạn giấc ngủ

Thai phụ có thể gặp khó khăn khi bắt đầu giấc ngủ, thường nằm trằn trọc hàng giờ mới ngủ được. Không những thế, người bị trầm cảm trong giai đoạn mang thai còn dễ bị tỉnh giấc vào ban đêm và khó ngủ lại.

Trầm cảm khiến cho thai phụ dù đã ngủ đủ giấc nhưng vẫn có cảm giác ngủ không sâu, không đủ để tái tạo năng lượng. Họ thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi.

Cũng có những thai phụ có xu hướng ngủ nhiều hơn bình thường do cơ thể phản ứng với trầm cảm bằng cách cố gắng trốn tránh thực tại. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng có thể làm tăng cảm giác mệt mỏi và khiến trầm cảm thêm nghiêm trọng.

1.4. Tăng cân nhanh và thèm ăn

Thay đổi trọng lượng cơ thể và tăng cảm giác thèm ăn là một triệu chứng thường thấy ở người bị trầm cảm trong giai đoạn mang thai. Thay đổi này có thể khác nhau giữa mỗi thai phụ.

Có trường hợp thai phụ mất hứng thú với việc ăn uống, không còn cảm thấy đói hoặc không thể thưởng thức món ăn như trước đây. Điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm cân, thiếu chất, sức khỏe của cả mẹ và thai nhi đều bị giảm sút.

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai cũng có thể làm gia tăng cảm giác thèm ăn, dẫn đến việc ăn quá nhiều, đặc biệt là các loại thực phẩm không lành mạnh. Đây chính là lý do khiến thai phụ tăng cân quá mức, có nguy cơ mắc các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao,...

 

Thai phụ bị trầm cảm nên thường khó kiểm soát ăn uống

1.5. Suy nghĩ tiêu cực

Một trong những triệu chứng nghiêm trọng nhất của trầm cảm trong giai đoạn mang thai là sự xuất hiện của những suy nghĩ tiêu cực. Khi trầm cảm, thai phụ dễ tự ti, thấy bản thân vô dụng hoặc thấy mình có lỗi vì không đủ tốt để làm mẹ. Họ thường xuyên nghĩ về những điều này và trở nên bi quan về tương lai.

Thậm chí có những trường hợp nghiêm trọng, thai phụ còn có ý nghĩ tự tử hoặc làm hại bản thân. Những triệu chứng này đều rất nguy hiểm, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời để có phương án đảm bảo an toàn cho thai phụ và thai nhi.

2. Nguyên nhân gây nên trầm cảm trong giai đoạn mang thai

- Nội tiết tố thay đổi

Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, nhất là sự tăng giảm đột ngột của estrogen và progesterone. Sự thay đổi này có thể ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh, gây ra tình trạng trầm cảm.

- Áp lực tâm lý

Thai phụ thường phải đối mặt với nhiều lo lắng về sức khỏe của mình và thai nhi, khả năng chăm sóc con sau khi sinh, các thay đổi trong mối quan hệ gia đình,... Những áp lực này có thể khiến họ dễ bị căng thẳng và trầm cảm trong giai đoạn mang thai.

- Tiền sử trầm cảm

Nếu người mẹ đã từng trải qua trầm cảm trước khi mang thai, nguy cơ tái phát bệnh trong thai kỳ sẽ cao hơn. Điều này đòi hỏi họ cần có sự quan tâm và theo dõi chặt chẽ từ gia đình và bác sĩ.

- Di truyền

Nếu trong gia đình có tiền sử trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác, nguy cơ mắc trầm cảm của thai phụ cũng sẽ tăng lên.

 

Thai phụ bị trầm cảm cần được theo dõi, chăm sóc và điều trị tích cực để có thai kỳ khỏe mạnh

3. Hệ lụy khi thai phụ bị trầm cảm

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai nếu không được chú ý để can thiệp đúng mức sẽ có thể gây ra nhiều hệ lụy:

- Sinh non, trẻ sinh ra bị nhẹ cân hoặc có nguy cơ gặp phải các bất thường về sức khỏe.

- Gián đoạn mối quan hệ giữa thai phụ với chồng và các thành viên khác trong gia đình, gây ra xung đột và áp lực tâm lý nghiêm trọng hơn cho thai phụ.

- Phụ nữ trải qua trầm cảm trong giai đoạn mang thai có nguy cơ cao bị trầm cảm sau sinh, tình trạng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến việc chăm sóc con.

Trầm cảm trong giai đoạn mang thai là tình trạng nghiêm trọng, cần được quan tâm và điều trị kịp thời. Nếu biết để nhận diện đúng triệu chứng mà thai phụ đang gặp phải, người thân sẽ kịp thời tìm ra giải pháp hỗ trợ thai phụ vượt qua khó khăn, đảm bảo ổn định cho sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc giúp thai phụ duy trì tâm trạng ổn định để có một thai kỳ khỏe mạnh.

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo