Táo bón ở trẻ sơ sinh

0
BỞI congdongbau

Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng nhiều mẹ gặp phải khi đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ. Đứng trước tình trạng này nhiều mẹ thường tỏ ra bối rối và sợ hãi vì chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề này. Một vài chia sẻ dưới đây chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích cho những bà mẹ khi con gặp phải trường hợp trên.

Dấu hiệu bé sơ sinh bị táo bón

Để nhận biết con mình đang bị táo bón hay không, các mẹ có thể dựa vào những dấu hiệu dưới đây:

  • Trẻ quấy khóc, biếng ăn

Sau khi tiêu hóa thức ăn, cơ thể sẽ hấp thu những chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời đào thải các chất cặn bã ra ngoài. Đối với trẻ sơ sinh bị táo bón, các chất cặn bã sẽ ở lại trong cơ thể. Khi các chất độc tích tụ lâu ngày sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Trẻ ngày càng trở nên biếng ăn và ngủ thường không sâu giấc. Vì vậy, trẻ hay tỉnh giấc, quấy khóc mẹ vào ban đêm.

Trẻ sơ sinh bị táo bón thường hay tỉnh giấc và quấy khóc vào ban đêm

  • Trẻ ít đi ngoài

Thông thường, trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi sẽ đi ngoài từ 2 – 3 lần/ngày tùy trường hợp bú mẹ hay dùng sữa công thức. Nếu số lần đi tiêu nhỏ hơn hoặc bằng 2 lần/tuần thì có thể trẻ đang bị táo bón. Tuy nhiên, các mẹ nên theo dõi thêm một số biểu hiện khác để biết chắc chắn con mình có bị táo bón hay là không?

  • Trẻ đi ngoài khó khăn

Biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh bị táo bón là tình trạng đi ngoài gặp nhiều khó khăn. Khi đại tiện, trẻ có biểu hiện khó chịu như đổ nhiều mồ hôi và đỏ bừng lên. Lúc này, phân của trẻ có màu sẫm, khô cứng và ở dạng viên tròn như phân dê.

Do phải dùng nhiều sức để rặn đẩy phân ra ngoài nên niêm mạc ở vùng hậu môn của trẻ dễ bị tổn thương. Đồng thời, cảm giác đau rát sau mỗi lần rặn khiến trẻ thường hay quấy khóc.

  • Trẻ bị chướng bụng, khó tiêu

Thức ăn không được hấp thu tích tụ lại khiến trẻ bị chướng bụng, khó tiêu. Lúc này, bụng của trẻ trở nên to hơn, khi sờ vào thì cảm thấy cứng. Ở trẻ sơ sinh bị táo bón thường xảy ra trạng này, kèm theo một số triệu chứng như xì hơi nặng mùi,…

Nguyên nhân gây táo bón của trẻ

  • Do chế độ ăn uống của mẹ

Hầu hết nguồn dinh dưỡng chính của trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Vì thế, chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến dinh dưỡng cũng như tình trạng bệnh lý của con. Việc mẹ ăn nhiều đồ cay nóng, khó tiêu, ít chất xơ, nhiều đạm, thiếu dinh dưỡng, chế độ ăn ngủ không hợp lý có thể khiến trẻ sơ sinh bị bón.

  • Trẻ sơ sinh thiếu nước

Cơ thể thiếu nước, mất nước cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ra táo bón ở trẻ sơ sinh. Trường hợp này là do trẻ bú sữa mẹ quá ít, hoặc bú nước không đủ để bổ sung cho cơ thể. Nước không đủ để hoạt động cho các chức năng nội tạng cũng dễ gây táo bón.

  • Do trẻ sơ sinh dùng sữa ngoài

Táo bón ở trẻ sơ sinh còn do mẹ cho bé dùng sữa ngoài quá sớm. Sữa công thức kết hợp nhiều chất mà dạ dày bé phát triển chưa hoàn thiện sẽ khó mà tiêu hóa được. Đồng thời đây cũng là loại sữa được coi là khó tiêu hóa và nếu mẹ cho bé uống pha không đúng công thức thì khả năng bé bị táo bón là rất cao.

  • Tác dụng phụ thuốc kháng sinh

Trẻ đang trong giai đoạn sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh thường gặp triệu chứng táo bón. Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh mà còn diệt luôn cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa và hậu quả là trẻ sơ sinh táo bón.

  • Thay đổi thói quen, môi trường sống

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với sự thay đổi xung quanh, khi thói quen hay môi trường sống thay đổi đột ngột có thể khiến chức năng tiêu hóa của trẻ ảnh hưởng đáng kể và dẫn đến táo bón. Một số thay đổi có thể là: Thay đổi thời tiết, thay đổi chỗ ngủ, thay đổi nơi ở…

  • Do bệnh lý

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan bên ngoài thì việc bé bị táo bón đôi khi là do bệnh lý xuất phát từ chính cơ thể bé. Do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa hoặc các dị tật bẩm sinh như: Đại tràng bị phình to (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme) khiến trẻ bị táo bón sớm.

Một vài cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị táo bón

Nếu táo bón kéo dài lâu ngày, trẻ có thể bị bệnh trĩ hoặc nguy hiểm hơn là nứt trực tràng. Do đó, các mẹ nên nhận biết sớm tình trạng này và có biện pháp xử lý kịp thời. Dưới đây là một số biện pháp giúp mẹ trị chứng táo bón ở trẻ sơ sinh:

– Đối với những trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ thì việc đầu tiên nên làm là điều chỉnh lại chế độ ăn uống của người mẹ sao cho hợp lý, đồng thời bổ sung nhiều chất xơ, uống nhiều nước và hạn chế ăn các đồ cay nóng,…

– Các mẹ nên cho trẻ bú đủ để cơ thể không bị thiếu nước.

– Nếu trẻ uống sữa công thức bị táo bón, mẹ nên đổi loại sữa khác phù hợp hơn với trẻ.

– Thức ăn không được hấp thu tích tụ lâu ngày trong bụng bé, sẽ được làm mềm và chuyển xuống hậu môn để thải ra ngoài, thông qua việc massage bụng. Mẹ chỉ nên massage cho trẻ trong vòng 3 phút, bằng cách dùng 3 ngón tay giữa chụm lại, sau đó đặt lên vùng bụng gần rốn rồi xoa nhẹ, đồng thời kết hợp với lực ấn vừa phải.

Massage bụng giúp bé kích thích đi ngoài

– Để giúp bé cảm thấy thoải mái và giảm bớt cảm giác khó chịu do táo bón gây ra, mẹ có thể cho bé ngâm mình trong nước ấm. Nước ấm có tác dụng làm giãn cơ vòng hậu môn, đồng thời kích thích nhu động ruột giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn. Mỗi ngày, mẹ nên cho bé ngâm mình từ 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 5 phút.

– Nếu trẻ bị táo bón kéo dài hơn 2 tuần hoặc xuất hiện các triệu chứng như: nôn ói, sốt, đi phân ra máu, bụng to lên,… mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay các sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Khi nào trẻ sơ sinh bị táo bón cần đến gặp bác sĩ?

Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu bé bị táo bón kèm theo các dấu hiệu khác như:

  • Liên tục không đi ngoài trong 2,3 ngày.
  • Trẻ bị sốt, nôn mửa.
  • Đi ngoài có máu.
  • Đầy hơi kéo dài.
  • Biếng ăn, bỏ bú, sụt cân đột ngột.
  • Bé có vẻ cáu kỉnh và khó chịu nhiều.
  • Trẻ bị đau bụng dữ dội, đau đớn khi vận động hay lật mình.
  • Tình trạng táo bón của trẻ không được cải thiện sau khi thực hiện các cách điều trị tại nhà.

Cách phòng ngừa táo bón cho trẻ sơ sinh

Để ngăn ngừa tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh, mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học cho cả mẹ và bé: Chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ sẽ giúp mẹ giảm các nguy cơ táo bón cho trẻ sơ sinh. Mẹ nên bổ sung rau mồng tơi, rau dền đỏ, khoai lang, bông cải xanh và các loại rau xanh, trái cây vào thực đơn hằng ngày để ngăn ngừa táo bón;
  • Thường xuyên massage cho trẻ: Việc massage đều đặn cho bé không chỉ giúp trẻ giảm nhẹ và ngăn ngừa táo bón mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho trẻ;
  • Tạo điều kiện cho bé vận động nhiều hơn: Đây được xem là biện pháp ngăn ngừa táo bón hiệu quả và an toàn nhất;
  • Cung cấp đủ nước cho bé: Thiếu nước không chỉ khiến trẻ sơ sinh bị táo bón mà còn có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe khác. Do đó, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên đảm bảo cho bé uống đủ sữa. Còn đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, bên cạnh việc cho bé uống sữa, mẹ có thể bổ sung nước cho trẻ bằng cách cho bé uống từng ngụm nước nhỏ.Tuy nhiên, mẹ không nên quá lạm dụng cách này;
  • Tập thói quen đi vệ sinh cho bé: Thiết lập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn trong một khung giờ không chỉ giúp trẻ đi vệ sinh đúng giờ, giảm nguy cơ táo bón mà còn giúp mẹ phát hiện sớm nếu trẻ bị táo bón;

Cre: MEDLATEC

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo