Nước ối bảo vệ thai nhi tránh sự va chạm, xâm nhập của vi khuẩn bên ngoài, đồng thời cung cấp dưỡng chất cho thai nhi. Một số bất thường về nước ối như đa ối, thiểu ối có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển bình thường của thai nhi. Mẹ bầu cần chủ động tìm hiểu để bảo vệ thai kỳ.
I. Nước ối là gì?
– Nước ối là chất lỏng bao bọc thai nhi bên trong tử cung của người mẹ.
– Thời gian xuất hiện nước ối: 12 ngày sau thụ thai.
– Nguồn gốc tạo thành nước ối là từ: thai nhi, màng ối và máu mẹ.
– Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi.
– Thể tích nước ối: thay đổi từ 50ml khi thai nhi được 4-8 tuần tuổi đến 1000ml vào tuần 38 của thai kỳ. Sau đó, thể tích nước ối có xu hướng giảm dần và còn khoảng 600-800ml ở tuần thứ 40.
– Màu sắc nước ối: Nước ối có màu trắng trong ở đầu thai kỳ. Sau đó nước ối chuyển sang màu trắng đục khi thai nhi lớn dần vì có nhiều chất gây.
II. Những bất thường về nước ối
Bác sĩ có thể dựa vào thể tích và màu sắc để xác định những bất thường về nước ối. Từ đó có thể dự báo cũng như tiên đoán được sức khỏe và tình trạng phát triển của thai nhi.
1. Bất thường về thể tích nước ối
1.1. Đa ối
Tình trạng đa ối được xác định khi thể tích nước ối trên 2000ml. Đa ối thường xảy ra khi đa thai, bất thường về hệ thần kinh trung ương của thai nhi như não úng thủy, thai vô sọ, cột sống chẻ đôi,… Nguyên nhân gây đa ối có thể do bệnh lý màng ối, bánh nhau, dây rốn, phù nhau thai, cũng có thể do bệnh lý của mẹ như đái tháo đường,… hoặc vô căn.
Ảnh hưởng của đa ối đến sự phát triển và sức khỏe thai nhi:
– Thai nhi di chuyển trong tử cung nhiều dễ bị dây rốn quấn cổ, ngôi thai bất thường;
– Bụng mẹ bầu căng to gây khó thở, dễ có cơn co tử cung dẫn đến sinh non;
– Tăng tỷ lệ tử vong chu sinh;
– Chuyển dạ kéo dài gây suy thai, thai phụ bị đờ tử cung gây băng huyết sau sinh;
– Dễ bị vỡ ối đột ngột dẫn đến nhau bong non, sa dây rốn, ngôi bất thường và thuyên tắc ối.
1.2. Thiểu ối
Tình trạng thiểu ối hay ít ối, vô ối xảy ra khi thể tích nước ối dưới 200ml. Biến cố này thường xảy ra khi thai nhi gặp bất thường về hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa như hẹp thực quản, không có dạ dày, van niệu đạo sau ở bé nam, bất sản thận,…Thiểu ối còn xảy ra khi mẹ, thai suy dinh dưỡng, thai quá ngày sinh, vỡ ối non…
Ảnh hưởng của thiểu ối lên sự phát triển của thai nhi:
– Thiếu ối khiến thai nhi không cử động thoải mái trong tử cung nên dễ gây trật khớp háng bẩm sinh, xơ cứng các khớp, tay chân khoèo;
– Suy hô hấp;
– Suy thai do dây rốn bị chèn ép, ngôi thai bất thường;
– Vỡ ối gây thiểu ối khi chưa chuyển dạ làm nhiễm trùng ối dẫn đến nhiễm trùng bào thai, nhiễm trùng tử cung…rất nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé;
2. Bất thường về màu sắc nước ối
– Màu vàng xanh: thai nhi chậm phát triển hoặc xảy ra hiện tượng tán huyết thai nhi.
– Màu xanh rêu sệt hoặc lẫn phân su: thai nhi suy yếu trầm trọng đe dọa đến tính mạng.
– Xanh đục như lẫn mủ: nhiễm trùng ối, thai nhi có nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao.
– Màu đỏ nâu: thai nhi không còn sống.
Ngoài những bất thường về thể tích, màu sắc của nước ối thì có một biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ chính là thuyên tắc ối.
Thuyên tắc ối là tình trạng nước ối xuất diện trong tuần hoàn của mẹ, làm cho sản phụ tắc mạch, suy tuần hoàn và hô hấp cấp tính. Bệnh tuy hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nặng nề, hơn 50% trường hợp tử vong.
Thuyên tắc ối không có yếu tố báo trước nguy cơ cũng như không có cách dự phòng.
Trong khi đó việc phát hiện sớm những bất thường về màu sắc nước ối cũng như bất thường về nhiễm sắc thể bằng phương pháp chọc ối có thể kịp thời can thiệp một số bệnh lý về nước ối. Các thai phụ khi có chỉ định chọc ối thường có tâm lý lo sợ. Tuy nhiên việc chọc ối không “đáng sợ” và hiếm khi gây ảnh hưởng đến thai kỳ cũng như thai nhi.
Theo PGS. TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ, tập 1.