Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi ở hầu hết các cơ quan, trong đó nhu cầu về năng lượng và một số dưỡng chất gia tăng, sự thay đổi của nội tiết tố gây ra một số triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ nóng, chán ăn… Những thay đổi này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự tăng cân của mẹ bầu.
I. Mức tăng cân đủ trong suốt thai kỳ
Theo Bác sĩ Chuyên khoa I, Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mức tăng cân đủ trong suốt thai kỳ được khuyến nghị tại Việt nam là từ 10 đến 12kg, trong đó :
– 3 tháng đầu: không tăng cân hoặc tăng ít (1kg);
– 3 tháng giữa: 4-5kg;
– 3 tháng cuối: 5- 6kg.
Trong 6 tháng cuối, mỗi tháng tăng ít hơn hoặc bằng 1kg là tăng cân ít. Tăng cân đủ là một yếu tố giúp xác định thai kỳ khỏe mạnh. Tăng cân ít thường gặp ở các thai kỳ bệnh lý hoặc dinh dưỡng kém.
II. Hậu quả của tăng cân không hợp lý trong thai kỳ
1. Tăng cân ít
Tăng cân ít khi mang thai thường đi kèm với thai chậm tăng trưởng trong tử cung và tỷ lệ tử vong chu sinh cao.
2. Tăng cân nhiều
Tăng cân quá nhiều khi mang thai sẽ dẫn đến tình trạng béo phì sau khi sinh của mẹ và cân nặng của trẻ sơ sinh cao ( > 4000g), từ đó dẫn đến những khó khăn khi sinh như:
+ Chuyển dạ kéo dài;
+ Khó sinh do vai bé to;
+ Sinh mổ;
+ Bé bị chấn thương khi sinh;
+ Bé dễ bị ngạt khi sinh.
Khi mẹ tăng cân quá nhiều đi kèm với cân nặng của trẻ sơ sinh quá lớn cũng cần tầm soát tiểu đường thai kỳ.
III. Xử trí khi mẹ bầu tăng cân ít
- Tăng năng lượng ăn vào
- Ăn nhiều bữa;
- Bổ sung các thực phẩm có năng lượng cao như dầu, mỡ, các thức ăn chiên, xào, thức ăn ngọt;
- Chủ động tránh những thức ăn có mùi khó chịu gây kích thích nôn ói;
- Trữ sẵn những thức ăn ưa thích, dễ ăn.
- Sử dụng các thực phẩm bổ sung
Thực phẩm bổ sung có thể là sữa dành cho các mẹ mang thai.
- Thuốc bổ sung các dưỡng chất
Các thuốc bổ sung dưỡng chất cho mẹ bầu thường có các thành phần đạt dưới hoặc bằng 100% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ mang thai, việc bổ sung mỗi ngày 1 viên không gây ngộ độc.
III. Xử trí khi mẹ bầu tăng cân quá nhiều
Cần giảm từng ít một lượng thực phẩm trong các bữa ăn cho đến khi tốc độ tăng cân phù hợp với khuyến nghị, cũng nên giảm bớt các món ăn có nhiều đường hoặc có nhiều chất béo, sắp xếp thời gian vận động để tiêu hao bớt năng lượng.
Nguồn: BSCKI. Nguyễn Thị Ngọc Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCMK, trích sách “Học làm mẹ cùng Bác sĩ”.