Một số trẻ có đồng hồ sinh học rất lạ, bé thường ngủ nhiều vào ban ngày và thức vào ban đêm. Dân gian gọi đây là tình trạng “ngủ ngày cày đêm” ở trẻ. Vì sao lại có tình trạng này?

- Một trong những lý do lớn nhất là bé chưa phân biệt được ngày và đêm, bé bị rối loạn giấc ngủ do chưa quen với nhịp sống ở bên ngoài bụng mẹ. Và bố mẹ khi thấy trẻ ngủ nhiều vào ban ngày thì thường để cho trẻ ngủ luôn để mình có thời gian làm việc khác, hoặc sợ làm phiền bé và cứ để bé duy trì giấc ngủ như trong bào thai.
- Không gian ngủ của trẻ không thoải mái, có quá nhiều ánh sáng, âm thanh ồn ào. Hoặc có sự thay đổi như chuyển sang nhà mới, phòng mới hoặc chuyển từ nằm nôi sang nằm củi.
Trong khi nhu cầu giấc ngủ mỗi ngày của bé cũng có giới hạn và khi đã ngủ nhiều ban ngày thì ban đêm bé sẽ thức để tìm hiểu thế giới xung quanh.
♥♥♥Để khắc phục tình trạng này, Cộng Đồng Bầu mách mẹ 5 tuyệt chiêu sau đây:
Đánh thức bé nhiều hơn vào ban ngày

Bố mẹ cần đánh thức bé dậy nhiều hơn vào ban ngày, có thể để cho bé bú và chơi đùa cùng bé.
Ban đêm thì cho bé ngủ theo nhu cầu. Khi bé đã đi vào thói quen mới thì nhịp sống của bé sẽ ổn định với giấc ngủ dài trong đêm.
Tạo thói quen ngủ cho trẻ

Cứ đến một giờ cố định của mỗi đêm (thường là 8 – 9 giờ tối), mẹ cho bé bú no, lau mình và thay quần áo cho bé ngủ. Việc lặp đi lặp lại những hoạt động trước khi đi ngủ sẽ giúp bé dần điều chỉnh được đồng hồ sinh lý của cơ thể.
Luyện cho bé tự ngủ

Khi nào bé lơ mơ, gà gật mẹ hãy đặt bé nằm xuống. Dù lúc này bé vẫn tỉnh và chưa ngủ hẳn nhưng mẹ cũng đừng bế bé đung đưa lúc này. Bé nên học cách tự dỗ mình vào giấc ngủ và điều này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho bé để tự quay về với giấc ngủ nửa đêm của mình.
Khi bé khóc, mẹ hãy vỗ nhẹ vào lưng bé, nhưng vẫn để bé “tự dỗ“ mình ngủ. Nếu mẹ phản ứng ngay lập tức với tiếng khóc của con, bế và ru bé, bé sẽ có thói quen cần người dỗ dành mỗi đêm và lúc đó chỉ làm mẹ mệt mỏi hơn mà thôi.
Đảm bảo thời gian ngủ ngày
Một số mẹ thường ngăn con ngủ ngày với mong muốn bé sẽ ngủ đêm nhiều hơn. Điều này không thực sự hiệu quả vì bé sẽ mệt mỏi và gắt ngủ hiều hơn. Mẹ hãy tham khảo thời gian ngủ trung bình của trẻ dưới đây để đảm bảo bé ngủ đủ giấc.
Tuổi | Giấc ngủ đêm | Giấc ngủ ngày | Tổng thời gian ngủ |
1 tuần | 8 tiếng rưỡi | 8 tiếng | 16 tiếng rưỡi |
1 tháng | 8 tiếng rưỡi | 7 tiếng | 15 tiếng rưỡi |
3 tháng | 10 tiếng | 5 tiếng | 15 tiếng |
6 tháng | 11 tiếng | 3 tiếng 15 phút | 14 tiếng 15 phút |
9 tháng | 11 tiếng | 3 tiếng | 14 tiếng |
12 tháng | 11 tiếng rưỡi | 2 tiếng 15 phút | 13 tiếng 45 phút |
Các điều kiện cần có để giúp bé ngủ ngon

Để giúp bé ngủ ngon, mẹ cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ trước khi cho bé ngủ.
♦ Nơi bé ngủ phải khô thoáng, sạch sẽ, không quá nóng cũng không quá lạnh, không quá ồn ào…
♦ Tránh để hơi gió thổi thẳng vào mặt hoặc người của bé.
♦ Cho bé bú đủ, tuy nhiên không cho bú quá no cũng không quá thiếu.
♦ Áo quần mặc cho bé không được quá chật hay ẩm ướt.
♦ Vệ sinh bé sạch sẽ, trang bị tã lót có khả năng thấm cao hoặc thay tã ngay sau khi bé đi vệ sinh.
♦ Đối với bé sơ sinh, có thể cố định tay bé bằng khăn lông để tránh trường hợp bé giật mình quơ tay vào mặt và thức giấc.
♦ Nếu bé bị nghẹt mũi, cần vệ sinh sạch sẽ mũi ngay và cho bé nằm kê đầu cao hơn một chút (kê cả đầu và vai bé, tránh gập đầu gây cản trở bé hô hấp).
Những ngày đầu luyện ngủ, bố mẹ sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ sẽ nhận ra sự thay đổi trong thói quen ngủ của bé sau khoảng 1 tuần.
Chúc bé sẽ sớm vào nếp ngủ và ngủ thật ngon giấc để bố mẹ yên tâm hơn nhé!
CỘNG ĐỒNG BẦU – Chuyên gia bầu của mẹ! ♥♥♥