Theo Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I cho bé yêu của bạn làm quen với công nghệ từ sớm là không sai, nhưng để bé bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ là một sai lầm nên tránh
Các mẹ nên cho bé yêu tích cực tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng đầu đời của bé ở các lĩnh vực.
Trong thời đại mà các thiết bị công nghệ như Ipad, smart TV và smartphone liên tục phát triển, việc cho bé tiếp xúc với công nghệ từ sớm sẽ có những lợi ích nhất định cho bé về kỹ năng tư duy và sáng tạo, bởi vì bé sẽ được tiếp cận với các nội dung và ứng dụng học tập bổ ích và thú vị.
Không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá nhiều trong ngày. Ảnh: Daily Express.
Tuy nhiên các mẹ chỉ nên cho con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ với giới hạn thời gian nhất định trong ngày. Theo khuyến cáo hiện nay của hiệp hội Nhi Hoa Kỳ, thời gian tiếp xúc với các thiết bị như TV và các thiết bị công nghệ ở bé dưới 2 tuổi là 0 giờ/ ngày; bé từ 2 – 6 tuổi là 1 giờ/ngày và từ 6 – 12 tuổi là 2 giờ/ ngày.
Việc cho bé tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ sẽ khiến trẻ không có quá nhiều kỹ năng khác. Cụ thể bé sử dụng công nghệ nhiều thường sẽ chỉ ngồi yên một chỗ và không có thời gian để phát triển các kỹ năng vận động thô như leo trèo, đạp xe 3 bánh và bé cũng sẽ lười các hoạt động giao tiếp và tương tác với ba mẹ và các đứa trẻ khác.
Làm thế nào để bé không phụ thuộc vào công nghệ
Nên để bé tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời. Ảnh: Buzymummy.
Để các bé không quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ như Ipad hay smartphone, các mẹ nên xác định thời gian giới hạn cho các bé sử dụng trong 1 ngày. Ngoài ra, khi để các bé sử dụng các thiết bị thông minh, các ông bố và bà mẹ nên kiểm soát những nội dung mà bé tiếp nhận, tránh những nội dung tiêu cực tới sự phát triển của bé. Ngoài ra các ông bố và bà mẹ nên để dành thời gian trong ngày để có thể cùng con vui đùa và tham gia các hoạt động ngoài trời để con có cơ hội được học tập các kiến thức ngoài tự nhiên.
Theo Cộng Đồng Bầu (nguồn: Thạc sĩ Bác sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng I)