Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ( thời kỳ chu sinh)

0
BỞI congdongbau

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi ( thời kỳ chu sinh)

Khi bé vừa chào đời và bước vào tuần đầu tiên của cuộc sống, bé cần nhận sự quan tâm đặc biệt, kiên nhẫn và tình yêu thương vô bờ bến. Bài viết này, Hera Care  sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi, giúp cha mẹ chuẩn bị tốt hơn và chăm sóc bé hiệu quả, đảm bảo bé phát triển an toàn và khỏe mạnh trong những ngày đầu đời.

 

1, Thời kỳ chu sinh là gì? 

Thời kỳ chu sinh, hay còn gọi là giai đoạn perinatal, là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong đời sống của cả mẹ và bé. Thời kỳ này bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ và kéo dài đến 7 ngày sau khi sinh.. Đây cũng là giai đoạn bé dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe như vàng da sơ sinh, khó bú hay thở không đều. 

2. Chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

2.1 Chuẩn bị trước khi đón bé về nhà 

Khi chuẩn bị đón bé yêu về nhà, ba mẹ có thể cảm thấy phấn khích và cũng có chút lo lắng. Để giúp phụ huynh  tự tin hơn trong việc chăm sóc bé sơ sinh 1 tuần tuổi, Hera có một số gợi ý sau đây: 

✔️Không gian ngủ của bé cần được chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và thoải mái.  Chọn giường cũi hoặc nôi có tiêu chuẩn an toàn, không có cạnh sắc và khoảng cách giữa các thanh cũi phù hợp. Sử dụng chăn gối mềm mại nhưng tránh quá dày để giảm nguy cơ ngạt thở. 

✔️Chuẩn bị đủ số lượng tã lót cho bé sử dụng hàng ngày. Chọn quần áo mềm mại, thoáng khí và phù hợp với kích cỡ của bé. Mẹ cũng nên có sẵn vài bộ đồ sơ sinh để thay đổi.

✔️Khăn tắm mềm mại và dễ thấm hút để tắm và lau khô cho bé sau khi tắm. Chuẩn bị thêm  các sản phẩm chăm sóc da dành riêng cho trẻ sơ sinh, không gây kích ứng như dầu tắm, kem dưỡng da và phấn rôm.

✔️Đọc sách hướng dẫn về  chăm sóc trẻ sơ sinh từ các nguồn đáng tin cậy sẽ giúp ba mẹ nắm vững các kỹ năng cần thiết và hiểu rõ hơn về nhu cầu của bé.

 

2.2 Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Cho bé bú mẹ sớm nhất có thể

✔️Trong tuần đầu tiên này, việc cho bé bú mẹ là lựa chọn tốt nhất. Sữa mẹ không chỉ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn giúp bé tăng cường hệ miễn dịch. Để bé bú mẹ hiệu quả, mẹ cần chú ý đến tư thế bú đúng cách. Hãy đảm bảo bé ngậm kín núm vú và miệng bé phải ôm trọn quầng vú, giúp bé bú dễ dàng và mẹ cũng không bị đau rát.

✔️Các mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu, thường là từ 8-12 lần mỗi ngày và khoảng 2-4 tiếng/lần. Dấu hiệu bé đã no thường là bé tự nhả vú, trông thoải mái và có thể ngủ ngon sau khi bú. Đôi khi, bé cũng có thể ợ hơi hoặc đẩy núm vú ra để biểu hiện đã đủ no. Nếu mẹ chưa có sữa thì có thể cho bé bú sữa công thức tạm thời. 

2.3 Chăm sóc giấc ngủ của trẻ sơ sinh 

✔️Theo nhận định của các chuyên gia thì sự sinh trưởng ở trẻ sơ sinh phần lớn đạt được thông qua giấc ngủ và bú sữa mẹ. Giai đoạn mới sinh này, bé thường  ngủ rất nhiều, khoảng 16-18 tiếng mỗi ngày, nhưng không theo chu kỳ giấc ngủ dài như người lớn. Thay vào đó, bé có những giấc ngủ ngắn từ 2-4 tiếng và thức dậy thường xuyên để bú.

✔️Để bé có một giấc ngủ an toàn và sâu, việc tạo môi trường ngủ phù hợp là điều cần thiết. Nhiệt độ phòng nên được duy trì ở mức thoải mái, không quá nóng cũng không quá lạnh, lý tưởng là khoảng 26-28 độ C. Ánh sáng trong phòng nên dịu nhẹ và tránh các nguồn sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt bé. Đảm bảo không gian yên tĩnh hoặc chỉ có những tiếng ồn nhẹ nhàng, như tiếng quạt hoặc tiếng nhạc êm dịu, giúp bé cảm thấy an toàn và dễ ngủ hơn.

✔️Để phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), Một trong những biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là luôn đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Tư thế này giúp đường thở của bé luôn được thông thoáng và giảm nguy cơ ngạt thở. Tránh đặt gối, chăn dày, hoặc đồ chơi trong nôi vì chúng có thể che phủ mặt bé và gây nguy hiểm. 

 

2.4 Vệ sinh và chăm sóc da cho bé

Tắm cho bé

✔️Lớp chất “gây” bao phủ bên ngoài da trẻ sơ sinh, còn được gọi là vernix caseosa, là một lớp chất trắng, sền sệt xuất hiện tự nhiên trên da của trẻ khi mới chào đời. Đây là một lớp màng bảo vệ chống lại vi khuẩn, giúp giữ ẩm cho da bé và thậm chí còn có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh trong những giờ đầu tiên sau khi chào đời. Vì vậy, chúng ta không nên tắm rửa ngay lớp vernix này sau khi bé vừa được sinh ra. Thay vào đó, nên để lớp chất này tự nhiên hấp thụ vào da bé trong khoảng thời gian từ vài giờ đầu tiên sau sinh. Từ ngày thứ 2 trở đi, lớp chất” này lại là môi trường rất thuận lợi cho khả năng nhiễm khuẩn da. Chính vì vậy mà sau khi ra đời từ 24-48 giờ, hàng ngày trẻ phải được tắm sạch.

✔️Để bắt đầu, mẹ hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi tắm bé. Nước tắm nên ấm, không quá nóng, khoảng 37-38 độ C là lý tưởng. Đồng thời sử dụng những sản phẩm tắm gội dành riêng cho trẻ sơ sinh, đảm bảo chúng không chứa hương liệu mạnh hoặc các hóa chất gây kích ứng. 

 

Chăm sóc rốn

✔️Rốn của bé sơ sinh cần được chăm sóc đặc biệt trong những ngày đầu đời. Mới tuần đầu nên dây rốn của trẻ chưa rụng, vì vậy chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề này. Sau khi tắm, hãy lau khô vùng rốn một cách cẩn thận. Không nên kéo hay cố gắng làm rụng cuống rốn, hãy để nó tự nhiên khô và rụng. Mẹ sử dụng cồn y tế  hoặc nước muối sinh lý natri 0.9 để vệ sinh xung quanh rốn và đảm bảo không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào. Nếu thấy vùng rốn có dấu hiệu sưng, đỏ, hoặc có mùi hôi, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.

 

Chăm sóc da

✔️Làn da của bé sơ sinh rất nhạy cảm và dễ gặp hiện tượng vàng da. Nguyên nhân chính là do gan của bé chưa phát triển hoàn thiện để xử lý bilirubin, một chất tạo ra từ quá trình phân hủy hồng cầu. Một trong những cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất để giảm vàng da là cho bé tắm nắng. Hãy chọn thời điểm sáng sớm khi ánh nắng mặt trời còn nhẹ nhàng, khoảng từ 7-8 giờ sáng, và để bé tắm nắng từ 10-15 phút mỗi ngày. Chú ý che chắn mắt và vùng nhạy cảm của bé để tránh ánh nắng trực tiếp.

✔️ Để phòng tránh và điều trị hăm tã, mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên, mỗi 2-3 giờ một lần, và ngay lập tức sau khi bé đi tiêu. Khi thay tã, hãy rửa sạch vùng da quấn tã bằng nước ấm và lau khô nhẹ nhàng.

✔️Ngoài ra, hãy để da bé “thoáng khí” bằng cách cho bé nằm mà không mặc tã một khoảng thời gian trong ngày. Điều này giúp da bé được thông thoáng và giảm nguy cơ bị hăm.

 

Vệ sinh mũi và tai cho con

✔️Trước hết, khi nói đến chăm sóc tai cho bé, ba mẹ cần nhớ rằng tai của trẻ sơ sinh rất mỏng manh. Việc vệ sinh tai cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng và cẩn thận. Chúng ta không nên dùng bông tăm để đưa sâu vào ống tai của bé, vì điều này có thể gây tổn thương. Thay vào đó, sau mỗi lần tắm,  chỉ cần lau nhẹ bên ngoài tai bằng một miếng vải mềm và ẩm. Nếu thấy có chất nhầy hay ráy tai, hãy dùng khăn bông mềm lau nhẹ nhàng ở vùng tai ngoài.

✔️Bên cạnh đó, sau khi sinh trẻ dễ bị nghẹt mũi. Gia đình nên chú ý giữ cho không khí trong phòng bé luôn sạch sẽ và thoáng mát. Đối với những bé có dấu hiệu nghẹt mũi, hãy dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi.  Chúng ta chỉ cần nhỏ vài giọt vào mỗi bên mũi của bé rồi dùng bông tăm mềm lau sạch dịch nhầy. Điều này giúp bé dễ thở hơn và cảm thấy thoải mái.

 

Không cần đội mũ thường xuyên cho con

Trẻ sơ sinh có khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thông qua da đầu. Việc đội mũ quá thường xuyên có thể gây ra tình trạng quá nóng, khiến bé khó chịu và có thể dẫn đến nguy cơ bị sốt. Trong môi trường nhiệt độ bình thường và khi bé đang ở trong nhà, không đội mũ sẽ giúp cơ thể bé điều hòa nhiệt độ một cách tự nhiên.Chỉ nên đội mũ cho trẻ khi nhiệt độ thấp, cho trẻ ra ngoài trời hoặc đối với trẻ sinh non, nhẹ cân. 

2.4 Chăm sóc tinh thần cho bé 

Giao tiếp và gắn kết với bé

✔️Trong những ngày đầu đời này, việc chăm sóc tinh thần cho bé là vô cùng quan trọng. Đây là thời điểm bé bắt đầu làm quen với thế giới xung quanh, và sự giao tiếp, gắn kết với cha mẹ sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và yêu thương.

✔️Giao tiếp và gắn kết với bé không chỉ đơn giản là việc cho bé bú hay thay tã, mà còn là những khoảnh khắc bạn ôm ấp, trò chuyện và hát ru cho bé. Khi ba mẹ  nói chuyện với bé, hãy sử dụng giọng điệu êm dịu, nhẹ nhàng. Có thể nói những lời yêu thương. Giọng nói của ba mẹ sẽ giúp bé cảm thấy gần gũi và an tâm hơn. Những giai điệu hát ru  êm dịu không chỉ giúp bé dễ ngủ mà còn kích thích phát triển thính giác của bé.

 

✔️ Khi bé thức dậy, hãy nhìn vào mắt bé và mỉm cười. Ánh mắt của chúng ta sẽ là nguồn động viên lớn lao cho bé, giúp bé cảm nhận được tình yêu thương từ cha mẹ. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc da, như ôm bé, cho bé nằm trên ngực, sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Những cử chỉ âu yếm này không chỉ tăng cường mối liên kết tình cảm mà còn giúp bé điều chỉnh nhịp tim và hơi thở.

✔️Để khuyến khích phát triển thị giác và thính giác của bé, chúng ta có thể treo những món đồ chơi ở vị trí bé dễ nhìn thấy, để bé tập trung và dõi theo.

2.5 Theo dõi sức khỏe và sự phát triển của bé

Khám sức khỏe định kỳ

✔️Trong tuần đầu tiên, ba mẹ nên đưa bé đi khám sức khỏe  định kỳ. Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện sức khỏe của bé, bao gồm cân nặng, chiều cao và các phản xạ cơ bản. Đây cũng là cơ hội để chúng ta đặt câu hỏi và nhận lời khuyên từ bác sĩ về cách chăm sóc bé.

Tiêm chủng trong tuần đầu 

✔️Thông thường, bé sẽ được khám sức khỏe tổng quát trong vòng 24-48 giờ sau khi xuất viện. Tiếp đến, sé sẽ được tiêm một số mũi vaccine quan trọng để bảo vệ bé khỏi những bệnh lý nguy hiểm. 

✔️Trong vòng 24 giờ đầu tiên, bé sẽ được tiêm Vaccine viêm gan B giúp bảo vệ bé khỏi viêm gan B, một bệnh nhiễm trùng gan do virus gây ra, có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan sau này.

3. Tìm sự tư vấn và hỗ trợ cho ba mẹ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tuần tuổi

Khi bé yêu vừa chào đời, có rất nhiều điều mới mẻ mà ba mẹ cần học hỏi và thích nghi. Trong giai đoạn này, tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ là rất quan trọng để giúp ba mẹ cảm thấy tự tin và bớt áp lực hơn.

✔️Đầu tiên, mẹ đừng ngại nhờ đến sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Những người thân thiết xung quanh bạn chắc chắn sẽ sẵn lòng giúp đỡ. Họ có thể hỗ trợ từ những việc nhỏ như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đến việc trông bé để bạn có thể nghỉ ngơi một chút.

✔️Mẹ đừng cố gắng tự mình làm tất cả. Hãy cùng bạn đời phân chia công việc chăm sóc bé. Ví dụ, ba mẹ có thể cùng nhau thay phiên thức đêm, hoặc người này chăm bé trong khi người kia làm các công việc khác. Sự chia sẻ này không chỉ giảm bớt mệt mỏi mà còn giúp tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

 

✔️Ngoài sự hỗ trợ từ người thân, mẹ cũng nên tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ, đặc biệt là trong tuần đầu tiên khi cơ thể bé còn rất non nớt và dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Bác sĩ sẽ cung cấp những lời khuyên chính xác và kịp thời về sức khỏe và dinh dưỡng cho bé.

✔️Hơn nữa, các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh tại Hera Care cũng là một lựa chọn tuyệt vời. Tại đây, bạn có thể nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống phù hợp cho mẹ và bé, cũng như những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện ( chăm sóc hậu sản, thư giãn phục hồi sau sinh, làm đẹp chuyên sâu, thông tắc tia sữa, tắm bé chuẩn y khoa,…) . Những chương trình tư vấn và hỗ trợ của Hera Care không chỉ giúp bạn giải quyết những lo lắng hiện tại mà còn trang bị kiến thức cần thiết để chăm sóc bé yêu tốt hơn trong những ngày tháng tiếp theo.

 

4. Kết Luận

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp ba mẹ có thể tự tin hơn trong hành trình chăm sóc bé yêu. Làm cha mẹ là một hành trình học hỏi không ngừng. Mọi điều mới mẻ, mọi thử thách đều giúp chúng ta  trưởng thành hơn trong vai trò làm bố mẹ. Mỗi ngày trôi qua, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời cùng bé yêu của mình. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo