Chăm sóc trẻ sinh non – hỏi đáp ngắn, biết đầy đủ

0
BỞI congdongbau

Chăm sóc trẻ sinh non – hỏi đáp ngắn, biết đầy đủ

Chăm sóc trẻ sinh non cần biết những gì? Con đường sắp đến của cha mẹ có con sinh non sẽ trông ra sao? Tất cả sẽ được trả lời trong bài viết sau, cùng tìm hiểu nhé.

Thế nào là một trẻ sinh non?

Con được gọi là sinh non nếu bé chào đời trước 37 tuần tuổi thai. Sinh non là một nguy cơ lớn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Sinh non có thường gặp không?

Câu trả lời là có. Ước tính trên toàn thế giới, trẻ sinh non chiếm 10% tổng số em bé được sinh ra. Ngoài ra, trẻ thường sinh vào thời điểm 32 – 36 tuần tuổi thai (chiếm 85%).

Tuy khá thường gặp nhưng hiện nay việc chăm sóc những em bé sinh non một cách khoa học và tối ưu nhất có thể vẫn chưa được chú ý.

Khi con mới chào đời, cha mẹ cần ghi nhớ những con số nào?

Ngày sinh và cân nặng lúc sinh là những thông tin rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ sinh non vì:

  • Con có nguy cơ mắc bệnh và bác sĩ cần những thông tin trên để lập kế hoạch điều trị.
  • Trẻ thường chậm phát triển về thể chất và vận động. Ngày sinh và cân nặng lúc sinh là điểm mốc để cha mẹ và bác sĩ theo dõi quá trình phát triển của con về lâu dài.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần nhớ số tuần tuổi thai mà trẻ được sinh ra (ví dụ con sinh lúc 32 tuần tuổi thai).

Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt, không giống với trẻ đủ tháng

Con của tôi sinh non đến mức nào?

Bạn biết sinh trước 37 tuần tuổi thai là non, vậy có gì khác biệt giữa bé sinh vào 28 tuần và 36 tuần tuổi thai. Các bác sĩ phân độ sinh non của con như sau.

Theo cân nặng lúc sinh:

  • <2500g: cân nặng lúc sinh thấp.
  • <1500g: cân nặng lúc sinh rất thấp.
  • <1000g: cân nặng lúc sinh cực thấp.

Theo tuần tuổi thai mà trẻ được sinh ra:

  • 34 – 36 tuần và 6 ngày: sinh non trễ.
  • 32 – 33 tuần và 6 ngày: sinh non trung bình.
  • Dưới 32 tuần: sinh rất non.
  • Dưới 28 tuần: sinh cực kỳ non.

Rắc rối quá phải không. Tóm lại là, những bé sinh non dưới 28 tuần tuổi thai hoặc có cân nặng lúc sinh dưới 1500g thường rất khó nuôi dưỡng. Bạn có thể coi hai thông số này là điểm cắt giữa nặng và nhẹ.

Trẻ sinh càng sớm hơn dự kiến và có cân nặng lúc sinh càng thấp, có dự hậu càng xấu.

Trẻ sinh ra vào thời điểm nào thì có thể sống được?

Cụ thể hơn là:”Con tôi sinh vào…tuần tuổi thai (ví dụ: 28 tuần, 32 tuần, 36 tuần), em bé có sống được không?”

Đây là câu hỏi nhạy cảm và rất khó trả lời.

  • Khả năng sống của trẻ sinh non phụ thuộc nhiều vào khả năng chăm sóc của cơ sở y tế (ví dụ như trang thiết bị, trình độ bác sĩ).
  • Hiện nay, y học phát triển rất mạnh nên nhiều em bé dù sinh rất non vẫn được cứu sống.
  • Bạn quan tâm đến “sống” trong ngắn hạn hay dài hạn.
  • Sức sống và khả năng hồi phục của trẻ em rất phi thường, không ai có thể nói trước được.

Theo thống kê y học, thời điểm 28 tuần tuổi thai thường được coi là điểm cắt giữa sống và không sống trong y khoa.

Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn chính xác về dự hậu của con bạn nhé.

Tôi cảm thấy mơ hồ về tương lai của con, điều gì sẽ xảy ra với trẻ sinh non?

Mục tiêu tột cùng khi nuôi dưỡng một em bé là gì?

  • Giữ cho trẻ sống, tồn tại được.
  • Và giúp con phát triển thể chất, sinh hoạt một cách bình thường.

Đối với trẻ sinh đủ tháng, những mục tiêu trên có thể đạt được khá dễ dàng. Tuy nhiên, với trẻ sinh non, cha mẹ sẽ đi một chặng đường vất vả hơn rất nhiều. Sau đây là những khó khăn mà bạn phải vượt qua:

  • Con có nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Con có thể mắc một số dị tật bẩm sinh, ví dụ về tim, não, đường ruột,…

Nếu trẻ vượt qua hai trở ngại trên và tồn tại được:

  • Bạn sẽ phải nuôi dưỡng con một cách tích cực để trẻ đủ cân nặng và chiều cao.
  • Bạn cần theo dõi con và đưa trẻ đi khám để đảm bảo bé phát triển thể chất và trí não một cách bình thường, hoặc nếu có bất thường sẽ được điều trị sớm.

Tôi cần làm gì để mang đến những điều tốt nhất cho con?

Đôi khi chỉ yêu thương là không đủ, chúng ta cần biết phải làm gì tiếp theo. Sau đây là những gì bạn có thể làm cho con:

  • Đưa con đi khám để tầm soát các bệnh đi kèm, các dị tật bẩm sinh. Phát hiện sớm, giải quyết sớm, dự hậu của bé sẽ tốt hơn.
  • Có một kế hoạch chăm sóc con cụ thể. Những việc thông thường như cho bú, tắm, vệ sinh đều trở nên đặc biệt với trẻ sinh non.
  • Bạn cần hết sức quan tâm đến sự phát triển của con, bé đã ngóc đầu được chưa, có lật được, có mỉm cười với mọi người không.
  • Nắm được các buổi tái khám định kỳ của con. Nếu không có, hãy hỏi bác sĩ để có kế hoạch thăm khám về lâu dài nhé.

Lời kết

Nuôi dưỡng trẻ sinh non là một hành trình đầy thách thức. Vậy điều gì là cần thiết khi đi trên một con đường khó khăn như vậy. Hai điều có lẽ quan trọng nhất là: biết mình cần phải làm gì và sự kiên nhẫn. Hi vọng bài viết đã giúp bạn biết mình cần phải làm gì. Hãy liên hệ với bác sĩ để con nhận được sự tư vấn tốt nhất bạn nhé.

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo