Cách chăm sóc sau sinh thường chuẩn khoa khoa học cho mẹ mau hồi người, lại sức

Sau sinh, sản phụ cần có một khoảng thời gian để chăm sóc, nghỉ ngơi cho cơ thể hồi phục trở lại bình thường. Đồng thời, mẹ cần tránh những kiêng cữ không còn phù hợp.

0
1057

Thời kỳ hậu sản là khoảng 6 tuần sau sinh. Thời kỳ này vô cùng quan trọng, chính vì lẽ đó mà với tâm lý lo lắng cộng với quá nhiều kinh nghiệm, thông tin từ dân gian đến hiện đại về chăm sóc hậu sản làm cho bản thân sản phụ cũng như gia đình thấy lúng túng, không biết đâu là những việc cần thiết, đâu là những điều không cần, thậm chí không nên làm.

I. Những thay đổi về thể chất, tâm lý sau khi sinh

1. Thay đổi về thể chất

Sau khi sinh con, cơ quan sinh dục nữ dần trở về cấu trúc và hình dạng như trước lúc mang thai, trừ bầu vú nếu mẹ có cho con bú bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, cơ quan sinh dục có thể bị sang chấn, tổn thương nếu sinh mổ hoặc cắt khâu tầng sinh môn.

Các thay đổi khác về thể chất như mất nước, mất máu và mất sức thường xảy ra 24 giờ sau sinh. Nặng nề với những trường hợp có băng huyết sau sinh, chuyển dạ kéo dài,…

2. Thay đổi tâm lý

Người mẹ cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi sau cuộc vượt cạn. Bên cạnh niềm sung sướng, hạnh phúc khi bế con, được làm mẹ, các mẹ còn thấy lo lắng khi chăm sóc bé còn quá nhỏ. Thậm chí, một số mẹ còn cảm thấy trầm cảm sau sinh, nhất là những trong trường hợp sinh khó.

Nguồn ảnh: Freepik

II. Những kiêng cữ sau sinh theo dân gian không còn phù hợp

1. Kiêng tắm gội

Phụ nữ sau khi sinh không nên kiêng tắm. Việc tắm rửa hàng ngày là rất cần thiết, nhất là khi có cho con bú, tắm gội sớm làm sạch các tế bào chết trên da giúp da sáng khỏe.Tuy nhiên, miễn dịch của mẹ thường bị giảm sau khi sinh con, vì vậy các mẹ nên tắm gội bằng nước ấm và không ngâm mình lâu trong nước.

2. Xông hơ

Việc xông hơ không có ích cho mẹ mới sinh mà còn có nguy cơ gây bỏng, dễ bị mất nước và cảm lạnh vì sau xông hơ mồ hôi đổ ra nhiều, lỗ chân lông cũng bị nở lớn ra.

3. Ăn uống kiêng khem

Theo kinh nghiệm dân gian, sản phụ sau sinh phải kiêng nhiều món: một số loại thịt, cá, rau củ, trái cây…Tuy nhiên điều này không hợp lý bởi mẹ sau sinh và cho con bú cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

4. Thời gian ở cữ lâu

Thời gian hậu sản hợp lý là 6 tuần tính từ khi sinh con là hợp lý, không nhất thiết phải là 3 tháng 10 ngày như phong tục dân gian. Phải ở trong phòng kín, không có ánh sáng: Việc ở trong phòng kín, thiếu ánh sáng, không thông thoáng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Nhiệt độ phòng thích hợp tầm 25 – 27 độ.

III. Chăm sóc hậu sản đúng cách

1. Nghỉ ngơi đầy đủ

Quá trình sinh con khiến mẹ bị tiêu hao nhiều năng lượng nên việc nghỉ ngơi sau sinh đóng vai trò quan trọng, tốt cả cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, nhất là những mẹ trẻ sinh con lần đầu. Người thân thường xuyên quan tâm, hỏi thăm trong thời gian này sẽ giúp mẹ hồi phục sức khỏe, tâm lý nhanh hơn. 

Nguồn ảnh: Freepik

2. Ăn uống khoa học

Ăn uống khoa học là một trong những điều mẹ sau sinh cần lưu ý để mau hồi người, lấy lại sức chăm con. Mẹ sau sinh cần ăn nhiều rau xanh hoa quả, thực phẩm giàu protein như thịt, pho mát, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, tăng cường nước hoa quả, sữa, uống nhiều nước để tăng cường sữa. Tuy nhiên mẹ sau sinh cần hạn chế dùng đồ uống kích thích như chè, cà phê, coca, rượu bia. 

3. Chú ý đến các vết mổ

Những mẹ phải mổ khi sinh hoặc phải qua thủ thuật chích cắt may cửa mình thì phải giữ vệ sinh cẩn thận để tránh bị viêm nhiễm, đặc biệt là phải thường xuyên vệ sinh, lau khô để tránh nhiễm trùng. Một khi xuất hiện hiện tượng sưng tấy, rỉ máu phải đi thăm khám bác sĩ.

4. Luyện tập, vận động sau sinh

Mẹ sau sinh nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng giúp co khít cơ niệu đạo, cơ âm đạo, tránh bị són tiểu sau này. Trường hợp bị táo bón có thể chườm nước nóng, tắm nước nóng, massage vùng xương mu, massage vùng bụng.

Mẹ nên tăng cường luyện tập thể thao ngay sau khi hồi phục theo phương án nhẹ nhàng và tăng dần đều.

5. Quan hệ sau sinh 

Theo các chuyên gia tình dục học của Mỹ thì trong 6 tháng đầu sau khi sinh không nên hoạt động tình dục nhưng cũng có người cho rằng nếu sức khỏe của sản phụ hồi phục nhanh thì sau trong khoảng 4-6 tháng vẫn có thể sinh hoạt bình thường và đó cũng là cách giúp cho cơ thể người mẹ được kích hoạt trở lại, giúp máu tuần hoàn tốt hơn. Tuy nhiên, mọi động tác phải nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương cho người vợ.

(Ts. Bs Huỳnh Thị Thu Thủy – Phó Giám Đốc Bệnh Viện Từ Dũ, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ)