Cách chăm sóc bé sơ sinh 1 tháng tuổi chuẩn khoa học

0
BỞI congdongbau

Chăm con sơ sinh chưa bao giờ dễ dàng, nhất là đối với những ai lần đầu làm mẹ. Không hẳn là mẹ không biết cách, hay không được ai hướng dẫn cách chăm sóc bé. Vấn đề là mẹ được tiếp nhận quá nhiều thông tin từ rất nhiều nguồn, và đôi khi chúng trái chiều đến nỗi khiến mẹ thật sự lúng túng.

Thông tin chăm sóc bé 1 tháng tuổi dưới sự chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp các mẹ cập nhật kiến thức chăm con chuẩn khoa học, bảo vệ bé yêu an toàn cũng như giúp mẹ nhàn hơn trong hành trình chăm con nhỏ của mình.

1. Nằm than trong thời kỳ ở cữ – liệu có phù hợp?

Hầu hết các mẹ mới sinh đều được người thân hoặc bạn bè truyền cho các kinh nghiệm dân gian từ rất nhiều năm trước. Tuy nhiên, điều kiện sống của người xưa hoàn toàn khác so với ngày nay, nên nhiều khi những kinh nghiệm đó không còn phù hợp.

Hơn 90% phụ nữ Việt Nam ngày nay sinh con tại các cơ sở y tế, được sử dụng các biện pháp hỗ trợ y tế nên không bị mất máu nhiều. Thời gian ở cữ sau sinh, mẹ cũng được nằm trong phòng kín gió, ấm áp, không phải lo lắng về cái lạnh như ông bà ngày trước. Chính vì vậy, việc cho mẹ và bé nằm than không còn phù hợp, bởi đây chỉ là một phương pháp giữ ấm đơn thuần. Không những vậy, khói than trong phòng kín còn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí gây ngộp thở, nguy hiểm đến tính mạng.

2. Sử dụng máy lạnh trong phòng bé sơ sinh – thế nào là tốt?

Bé sơ sinh cần nhiệt độ ổn định, nên việc sử dụng máy lạnh, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng bức thất thường, có thể giúp bé thoải mái, ngủ ngon hơn.Tuy nhiên, căn phòng của mẹ và bé không nên đóng kín suốt ngày để sử dụng máy lạnh hoàn toàn. Bạn cần dành ra những khoảng thời gian tắt máy lạnh, mở cửa sổ để phòng được thoáng khí, giúp hạn chế sự sinh sôi của nấm mốc.

Khi thời tiết nắng nóng, bạn có thể cho bé nằm phòng máy lạnh, nhưng tránh để bé nằm trực tiếp dưới luồng gió thổi ra. Bạn cũng không nên ủ bé trong đống chăn mền nóng nực, bởi bé chỉ thích nhiệt độ vừa phải khoảng 28 độ C mà thôi. Đồng thời, bạn cũng không nên để bé thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ từ phòng mát bế ra bên ngoài nắng nóng.

3. Phơi nắng cho bé – cần “kỹ thuật” nào?

 

Nguồn ảnh: sanook

– Khi bé được 10 ngày tuổi, bạn có thể bắt đầu cho bé phơi nắng sớm với thời gian tăng dần từ 5 phút trong ngày đầu tiên đến 30 phút ở những ngày sau đó.
– Thời gian phơi nắng tốt nhất là vào sáng sớm, trước 9h sáng.
– Khi phơi nắng, bạn cần đội nón che đầu cho bé, tránh nắng chiếu vào mắt gây hại mắt bé.
– Tốt nhất là bạn nên phơi nắng từng phần cơ thể bé, không cởi tất cả đồ ra cùng một lúc vì bé dễ nhiễm lạnh.

4. Cách tắm và chăm sóc rốn bé

Tắm bé

– Tư thế bế bé: bế bé gọn trên một cánh tay: đầu bé nằm gọn trong lòng bàn tay, lưng bé nằm trên cẳng tay, khuỷu tay bạn cặp sát phần mông bé vào hông bạn.
– Dùng khăn sữa xả nước ấm và lau mắt, mũi, miệng bé. Xả lại khăn, lau mặt, vành tai bé.
– Dùng ngón cái và ngón giữa đậy hai nắp tai của bé. Làm ướt tóc bé, cho dầu gội lên khăn rồi xoa đều lên tóc, xả lại bằng nước ấm cho sạch. Lau khô tóc.
– Tắm phần thân trên: cho sữa tắm vào lòng bàn tay, xoa đều lên cổ, ngực, nách, tay và bàn tay. Xả sạch bằng nước sạch ở chậu nước thứ hai rồi đặt bé lên bàn, lau khô phần thân trên.
– Tắm phần thân dưới: đặt bé vào chậu nước sao cho mực nước ko làm ướt rốn bé. Cho sữa tắm vào tay, xoa đều lên bụng, ngực, chân, bàn chân, xả lại bằng chậu nước sạch.
– Lau khô người bé, chú ý các nếp gấp. Mặc áo cho bé.

Vệ sinh rốn

– Dùng 1 que gòn vô trùng, thấm cồn 70 độ sát trùng xung quanh chân rốn bé từ dưới lên trên.
– Dùng miếng gạc mỏng gói rốn bé.
– Mặc tã cho bé. Quấn bé lại ủ ấm. Chú ý không quấn bé quá chặt.
Lưu ý: Không bôi bất kỳ thứ gì lên rốn bé. Nếu thấy rốn có mùi hôi, chảy dịch, da xung quanh ửng đỏ, sưng tấy, chậm rụng sau 2 tuần: đưa bé đến cơ sở y tế để kiểm tra.

 

Nhỏ mắt cho bé

Dùng 2 miếng gòn khô đặt hai bên mắt bé. Nhỏ nước muối sinh lý vào mắt bé mỗi bên 1 giọt. Dùng gòn chấm khô phần nước chảy ra ngoài.

Nguồn: Bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Từ Anh – Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ

 

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo