Cách bồng ẵm trẻ sơ sinh đúng chuẩn và an toàn nhất

Học bồng ẵm trẻ sơ sinh đúng cách luôn cần thiết đối với bố mẹ dù là lần đầu hoặc đã có kinh nghiệm chăm con. 

0
1712

Bố mẹ nắm vững cách bồng ẵm trẻ sơ sinh đúng và an toàn không những tạo cho bé cảm giác thoải mái, dễ chịu mà còn tránh gây tổn thương đến hệ xương non nớt của con. 

1. Bế bé lên đúng cách

Để dỗ bé và làm cho bé yên tâm,l bằng tình yêu thương của mình, bạn hãy trìu mến nhìn vào mắt bé và thủ thỉ êm ái với bé trước khi bế bé lên. Nếu bạn bế bé một cách đột ngột, bạn sẽ làm bé hoảng sợ. Đặt lòng bàn tay luồn dưới lưng bé để đỡ phần dưới của lưng và chân bé. Dùng tay còn lại đỡ đầu và cổ của bé, rồi nhẹ nhàng nhấc bé lên và ôm lấy bé. 

Lưu ý: Trước khi được 8 tuần tuổi, bố mẹ cần nâng đỡ trọng lượng của đầu và thân khi bế bé lên vì thời điểm này bé vẫn chưa thể giữ được đầu và các cơ. 

2. Tư thế đặt bé bé xuống an toàn

Khi đặt bé nằm xuống, bạn phải dùng cả cánh tay để đỡ cột sống, cổ và đầu của bé. Khi một phần thân bé đã được đặt xuống đệm, bạn nhẹ nhàng rút tay đang nâng chân và phần dưới cơ thể bé ra. Dùng tay này nâng đầu bé hơi cao lên để bạn có thể rút tay đang giữ đầu bé ra và đặt đầu bé nhẹ nhàng xuống đệm. 

3. Ôm bé một cách tự nhiên

Từ tư thế bế bé lên, bạn nhẹ nhàng xoay đầu bé đặt trên khuỷu tay bạn đang gấp nhẹ (tùy theo bạn cảm thấy có thoải mái với tư thế này hay không) hay đặt đầu bé tựa lên vai bạn. Cổ tay và bàn tay bạn vòng quanh lưng bé, cánh tay kia thì nâng phần dưới và chân bé. Khi được bế như vậy, bé có thể nhìn và lắng nghe bạn trò chuyện cùng bé. 

4. Bế bé lên vai

Khi bé có thể giữ được đầu vững, bé sẽ thích tư thế ôm ấp này, đầu bé kề bên đầu bạn. Tay bé bấu nhẹ trên ve áo hay cổ bạn, trong khi đó bạn đỡ phần dưới và hai chân bé bằng cả hai tay. 

Đây là tư thế lý tưởng để bế bé sau khi bé vừa chơi đùa xong, tư thế này cũng tốt để giúp cho bé ợ hơi khi mới bú no. 

5. Bế bé ngang hông

Khi bé được khoảng 3 tháng tuổi, bé có thể ôm bạn khi được bế xốc nách bên hông. Đây là tư thế bế khi bạn đang đi lòng vòng, pha sữa hoặc chuẩn bị quần áo cho bé. Bé cảm thấy được che chở, an toàn và có thể quan sát xung quanh tốt. 

Bế bé ngang hông khi bé tự giữ được người – Wikihow

Hai đầu gối bé quặp lấy hông bạn trong khi bạn dùng cánh tay nâng đỡ lưng và phần dưới của bé. Tư thế này cũng cho bạn được rảnh một cánh tay để làm việc lặt vặt. 

6. Giơ bé cao và đong đưa bé

Một khi bé có thể giữ vững được đầu và kiểm soát được cơ bắp, lúc bé khoảng 4 tháng, bạn có thể bắt đầu cho bé chơi các trò chơi thể chất, chẳng hạn như đu đưa bé lên cao phía trên đầu gối bạn, cõng bé trên vai hay đu đưa bé trên gối bạn. Mức độ mạnh bạo và sôi động của trò chơi tùy thuộc vào khí chất và tính tình của bé. 

7. Địu bé trước ngực bằng dây đeo

Trong 3 tháng đầu, dùng dây đeo để địu bé phía trước là cách tốt nhất để mang bé đi lại trong nhà hay đi chơi. Bé cảm thấy được vỗ về khi tiếp xúc với cơ thể bạn và dễ chịu khi được đu đưa theo nhịp đi của bạn còn bạn thì được rảnh hai tay. 

Bước 1: Gài dây đeo vào quanh thắt lưng. Nếu bạn thấy thế bất tiện, thì hãy gài ở đằng trước rồi sau đó xoay ra phía sau. 

Bước 2: Ngồi xuống, bế bé sát lên vai, một tay giữ lưng bé rồi để hai chân be vào hai chỗ trống hai bên dây đeo. 

Bước 3: Đưa dây đeo qua vai. Lấy tay giữ mông và lưng bé.

Bước 4: Ngồi nghiêng người ra phía trước, giữ đầu và lưng bé rồi nhẹ nhàng để bé tựa vào dây đeo.

Nguồn: Elizabeth Fenwwick, 101 Hướng Dẫn Thực Tế và Hữu Ích – Chăm Sóc Em Bé.