Hóc dị vật là một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, khi bé chơi đùa và vô ý để các vật lạ vào miệng.Tai nạn này không khó để xử lý, tuy nhiên không phải mẹ nào cũng biết cách sơ cứu cho bé.Sau đây sẽ là một số lưu ý từ Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang từ Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Làm sao để xử lý khi bé bị hóc dị vật
Việc cần lưu ý đầu tiên là các bậc cha mẹ cần phải thật sự bình tĩnh tránh hoảng hốt và thực hiện các động tác một cách dứt khoát.
Vỗ lưng: Các mẹ để trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của mình, để đầu bé hướng xuống đất. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào lưng giữa và xương bả vai của trẻ.

Sau đó mẹ lật bé từ tay trái qua tay phải của người sơ cứu. Quan sát bé có hồng hào chưa, có thở, có khóc được chưa. Kiểm tra xem miệng trẻ có dị vật nào không và lấy ra.
Ấn ngực: Sau khi đã vỗ lưng nhưng bé vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, các mẹ hãy nhanh chóng chuyển sang việc ấn ngực bé.
Lật bé nằm ngửa lên tay mẹ, dọc theo cẳng tay và theo tư thế cổ ngửa, đầu thấp. Sau đó mẹ dùng 2 ngón trỏ và giữa đầu bàn tay ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối 2 núm vú của bé 5 lần (lực ấn vừa phải)

Cũng theo chia sẻ của Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, các mẹ nên làm luân phiên giữa biện pháp vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật ra ngoài.

Khi bé hóc dị vật tuyệt đối tránh việc móc tay vào họng bé để tránh việc dị vật lọt sâu vào và trầy xước cổ họng của bé gây nguy hiểm cho bé.Trong quá trình sơ cứu các bà mẹ nên liên tục quan sát cử chỉ và trạng thái của bé để kịp thời đưa ra các phương án xử trí phù hợp và phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để các bác sĩ kịp thời kiểm tra cho bé.
Theo Cộng Đồng Bầu (nguồn: Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Bệnh viện Nhi Đồng 1)