Nghén thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ khiến mẹ bầu không mấy dễ chịu. Nghén đôi khi chỉ đơn giản là cảm giác khó chịu, buồn nôn hay đặc biệt thèm món ăn nào đó, nhưng cũng có khi trầm trọng hơn với việc nôn ói liên tục, sợ mùi thức ăn, không thể ăn được gì.
Thay vì cảm thấy khó chịu vì những triệu chứng phiền phức, hãy nghĩ đến em bé trong bụng để thấy hạnh phúc và thoải mái hơn mẹ nhé. Mẹ cũng không phải quá lo lắng vì đã có một vài mẹo giúp giảm triệu chứng ốm nghén giúp mẹ ăn ngon ngủ khỏe, nhẹ nhàng đi qua 40 tuần thai.
Nguyên nhân gây ốm nghén
Nồng độ hCG tăng khi mang thai là nguyên nhân khiến mẹ bầu xuất hiện những triệu chứng nghén. Triệu chứng này thường trầm trọng hơn đối với mẹ mang song thai hoặc thai trứng vì nồng độ hCG cao nên.
Ngoài ra, nồng độ progesterone làm giảm co thắt của cơ trơn đường tiêu hóa (bao tử, ruột non, ruột già, trực tràng) cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, táo bón,….
Nội tiết tố thai kỳ cũng làm tăng tiết dịch vị nên nhiều phụ nữ mang thai có những triệu chứng giống như viêm bao tử (nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua,…).
Khi mang thai, phụ nữ cũng trở nên cực kỳ nhạy cảm về mùi. Chính điều này khiến những mùi vốn bình thường trở nên khó chịu và ngược lại.
Nghén ảnh hưởng thế nào đến thai nhi?
Ảnh: QQ
Dù rất khó chịu và phiền phức nhưng nghén không gây hại đến mẹ hay thai nhi. Thậm chí, ở một khía cạnh nào đó, đây còn là dấu hiệu tốt cho thấy nội tiết tố của mẹ đủ để duy trì thai kỳ.
Phần lớn phụ nữ mang thai sẽ không bị nghén suốt cả thai kỳ. Các triệu chứng thường xuất hiện từ tuần thứ 6 của thai kỳ, giảm dần và biến mất sau 14 tuần.
Triệu chứng nghén thường nặng vào buổi sáng khi mới ngủ dậy. Mẹ hãy tranh thủ khoảng thời gian mình cảm thấy dễ chịu nhất để ăn uống, nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, những thay đổi đột ngột về tình trạng nghén dưới đây là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn nào đó mà mẹ nên đi khám:
- Triệu chứng nghén quá tồi tệ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bạn.
2. Triệu chứng nghén của mẹ bỗng nhiên biến mất một cách đột ngột.
7 mẹo giúp mẹ bầu giảm ôm nghén, ăn ngon, ngủ khỏe
Mặc dù không thể tránh khỏi việc bị nghén trong thai kỳ, nhưng có những cách mẹ có thể thực hiện để giảm bớt sự khó chịu do các triệu chứng nghén gây ra.
1. Chia nhỏ bữa ăn: Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ giúp dạ dày mẹ dễ chịu hơn vì không bị quá no, cũng không bao giờ để dạ dày trong tình trạng trống rỗng.
2. Tránh nằm hay ngồi một chỗ sau khi ăn: Đi dạo sau mỗi bữa ăn, hít thở không khí trong lành sẽ giúp mẹ sảng khoái hơn.
3. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn chậm rãi, nhai kỹ: Điều này làm cho thức ăn dễ tiêu hóa, không gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Các món ăn nhiều đậm mùi cũng có thể khiến mẹ khó chịu, nên tốt nhất hãy chọn loại càng ít gia vị càng tốt.
4. Siêng ăn vặt: Siêng ăn vặt cũng là cách giúp mẹ bầu giảm triệu chứng nghén. Bánh quy, trái cây, sữa chua, phô mai, các loại hạt (hạt dẻ, hạt điều, hạt óc chó,…) đều là những loại thức ăn vặt rất tốt cho mẹ bầu.
Nhâm nhi một số loại hạt có thể giúp mẹ giảm nghén – Ảnh healthandtrend
Hãy mang chúng theo bên người để mẹ có thể nhấm nhi bất cứ khi nào bạn cảm thấy đói. Một chiếc bao tử trống rỗng sẽ khiến cơn nghén của mẹ trở nên rất tệ đấy hơn.
5. Tránh thức ăn hay mùi vị không thích: Nếu mẹ không thể uống sữa bầu, hãy thay thế bằng sữa tươi. Nếu không chịu được mùi thịt nướng, hãy dùng các món ăn khác mà mẹ thích.
6. Uống nhiều nước: Hãy uống nước vào giữa những bữa ăn. Tuy nhiên, mẹ không nên uống quá nhiều nước trong cùng một lần để tránh gây cảm giác no bụng, khiến mẹ không muốn ăn thêm.
Ảnh: Freepik
7. Uống nước chanh ấm hoặc nước gừng ấm: 2 thức uống này có thể sẽ giúp mẹ xoa dịu cơn nghén.
Các triệu chứng nghén có thể rất khó chịu và phiền phức, nhưng mẹ cần giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ trong suốt thai kỳ. Chính vì vậy, hãy thư giãn, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và đừng quên vận động thường xuyên mẹ nhé. Mẹ cũng không cần phải cố ép mình phải chịu đựng những thứ khiến mẹ không nuốt nổi chỉ vì mong muốn thực hiện một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho con. Mẹ có thể linh hoạt lựa chọn những món khác thay thế.
(Ths. Bs Lê Văn Hiền – Phó Giám Đốc chuyên môn Bệnh Viện phụ sản Mêkông)