Sự tiến bộ của khoa học ngày nay đã cho thấy ở thời kỳ mang thai, sức khỏe người mẹ là quan trọng, nhưng còn phải quan tâm chăm sóc đặc biệt đến sự phát triển thể lực và trí lực của thai nhi. Muốn vậy, các bố mẹ, nhất là các mẹ bầu phải nắm được những kiến thức và kỹ năng của phương pháp thai giáo.
Thai giáo là quá trình thực hiện các biện pháp tổng hợp được bắt đầu từ khi chuẩn bị mang thai, dưỡng thai và giáo dục thai nhi, giúp bé phát triển các tiềm năng về thể lực và trí tuệ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Có nhiều phương pháp thai giáo, bố mẹ có thể áp dụng:
1. Kích thích thính giác
Nói chuyện, cho con nghe nhạc giúp thai nhi nhạy cảm với ngôn ngữ và âm nhạc – Ảnh: Freepik
Đến tuần thứ 24-25, hệ thống truyền âm thanh của tai mới hoàn chỉnh. Từ thời gian này trở đi, bố mẹ có thể:
– Nói chuyện, đọc truyện, kể chuyện cho thai nhi để giúp hệ thần kinh của thai nhi trở nên nhạy cảm hơn với ngôn ngữ. Việc này mang lại một cảm giác quen thuộc, an toàn, ấm áp cho thai nhi và do đó làm tăng sự gắn kết giữa bố mẹ và thai nhi.
– Cho thai nhi nghe các bản nhạc, bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, du dương, như nhạc cổ điển, dân ca, hát ru. Cho thai nhi tiếp xúc với âm nhạc sẽ giúp bé có sự nhạy cảm với âm nhạc và sau này hình thành hứng thú với bộ môn nghệ thuật này.
2. Kích thích thị giác
Kích thích thị giác thai nhi bằng ánh sáng nên được thực hiện từ tháng thứ 6 bằng các biện pháp sau:
– Dùng đèn pin chiếu trực tiếp hoặc chiếu qua lớp giấy ni lông màu vào thành bụng trong vài giây rồi tắt đi. Lặp đi lặp lại hoạt động này vài lần cho đến khi thai nhi quen hơn với ánh sáng thì có thể để đèn pin lâu hơn một chút rồi lại tắt đi. Trong khi chiếu đèn, người mẹ nói chuyện âu yếm nhẹ nhàng với thai nhi để bé cảm thấy yên tâm với việc có ánh sáng chiếu vào. Mẹ có thể thực hiện 2-3 lần mỗi tuần và mỗi lần chỉ 3-5 phút.
– Hàng ngày, mẹ bầu có thể nằm tắm nắng dưới ánh nắng nhẹ hoặc dưới các tán cây, vừa thưởng thức phong cảnh tươi đẹp vừa cho bé cảm nhận ánh sáng chan hòa của thiên nhiên.
Kích thích thị giác thai nhi bằng ánh sáng nên được thực hiện từ tháng thứ 6 – Ảnh Freepik
3. Kích thích vị giác và khứu giác
Từ tháng thứ 7 trở đi, thai nhi có thể cảm nhận được những mùi vị khác nhau của thức ăn mẹ bầu ăn vào. Để kích thích vị giác phát triển, mẹ bầu cần ăn những thức ăn ngon, hợp khẩu vị, giàu dinh dưỡng, uống sữa, nước trái cây, sinh tố.
Để phát triển khứu giác, mẹ bầu nên ngửi những hương thơm mà mình thích, ưu tiên những mùi hương từ thiên nghiên như hoa quả, cây cỏ và mùi của những loại thức ăn ưa thích.
4. Kích thích xúc giác
Âu yếm, vuốt ve giúp tăng cường sự gắn kết giữa bé và bố mẹ – Ảnh Freepik
Từ tháng thứ 2, thai nhi đã có những phản ứng với các kích thích về xúc giác. Đến tháng thứ 3, việc mát-xa, vuốt ve nhẹ nhàng âu yếm lên các cơ quan cảm nhận xúc giác của thai nhi thông qua bụng mẹ giúp cho các tế bào não thai nhi phát triển tốt hơn, bé cảm nhận được sự yêu thương của bố mẹ, làm tăng cường khả năng phản ứng của bé.
Bố mẹ nên vừa mát-xa, vuốt ve vừa nói chuyện sẽ tăng sự gần gũi, thân mật với bé. Mỗi ngày nên tiến hành mát-xa, vuốt ve bụng mẹ bầu khoảng 5-10 phút vào buổi sáng và buổi tối. Đồng thời nên kết hợp mở nhạc nhẹ cho mẹ và bé được thư giãn thoải mái.
5. Kích thích vận động
Tháng thứ 5-6, mẹ sẽ cảm thấy sự vận động của thai nhi được rõ nét hơn. Khi mẹ cảm thấy thai nhi đạp vào bụng mình thì nhẹ nhàng ấn vào phần vừa bị đạp, sau đó chờ thai nhi đạp lần thứ hai. Thường là sau 1-2 phút, thai nhi lại tiếp tục đạp, lúc đó mẹ lại ấn vào đúng chỗ thai nhi vừa đạp, và vài lần như vậy thì dừng ấn tay. Sau một thời gian thì mẹ có thể chủ động thay đổi vị trí tay ấn trên bụng, lúc đó thai nhi sẽ đạp vào những chỗ mẹ vừa ấn nhẹ tay vào. Mỗi lần tiến hành thực hiện trò chơi khoảng 10 phút, mỗi ngày từ 1 – 2 lần.
Trong khi kích thích thai nhi bằng vận động, mẹ bầu nên dùng hai ngón tay ấn nhẹ từ trên xuống dưới, từ trái qua phải và nên kết hợp nói chuyện với bé để khuyến khích, cổ cũ thai nhi cử động đáp lại.
(NGND.PGS.TS.BS. Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, phát triển tiềm năng con người Việt Nam, sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ)