Thành công là đích đến mà cha mẹ kỳ vọng ở mỗi đứa trẻ. Tuy nhiên để thành công, con cần thấm nhuần bài học về sự tử tế.
Ảnh: vectorstock
Tử tế là gì? Đối với những đứa trẻ, sự tử tế của con có thể là một cái xoa lưng khi bạn lo lắng, vẫy tay chào người hàng xóm lớn tuổi hoặc chia đôi cái bánh quy với một em nhỏ. Tử tế cũng là một trong những yếu tố của thành công. Dù có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của trẻ, điều quan trọng là bố mẹ vẫn phải giúp con nuôi dưỡng nó từ khi còn nhỏ. Chỉ cần tập trung vào những thói quen trong cuộc sống, một vài hành động cụ thể,… Dưới đây là 5 cách thúc đẩy và nuôi dưỡng sự tử tế cho con từ khi con còn nhỏ.
1. Giúp con hiểu lòng tốt nghĩa là gì
Ngay cả trước khi bé đủ lớn để cư xử tử tế, bạn có thể bắt đầu nói với con về điều đó. Một đứa trẻ 2 tuổi đã có thể bật khóc khi nhìn thấy một em bé mới biết đi ngã ở khu vui chơi,… Đó là cơ hội để mẹ nói rõ về cảm giác của con lúc đó: “Con cảm thấy buồn vì con quan tâm đến bạn”.
Nếu đồng cảm là sự thấu hiểu, thì lòng trắc ẩn đang hành động dựa trên sự hiểu biết đó. Khả năng này của trẻ có thể sẽ phát triển muộn hơn một chút. Trong khi trẻ mới biết đi thường rất tập trung vào cái tôi nhưng bố mẹ có thể dần giúp con nghĩ về chúng ta bằng cách thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn “Hôm nay mẹ và con có thể làm gì để chúng ta cùng vui”. Trẻ 3,4,5 tuổi là thời điểm thích hợp để bắt đầu nói cho con hiểu về lòng tốt.
2. Khơi gợi trí tưởng tượng của trẻ
Katherine Applegate, tác giả của loạt sách dành cho trẻ em từng đoạt giải thưởng nói rằng: “Bạn không thể là một người giàu lòng trắc ẩn trừ khi bạn có trí tưởng tượng tích cực”. Bạn có thể giúp con khơi gợi trí tưởng tượng thông qua trò chơi đóng giả. Đóng giả là cách tuyệt vời giúp trẻ rèn luyện sự đồng cảm. Bạn có thể nói với bé: “Hãy tưởng tượng, con búp bê của con bị ngã đập đầu, con sẽ làm gì cho bạn?”. Đối với những trẻ lớn hơn, bạn có thể yêu cầu trẻ tưởng tượng ra những tình huống phức tạp hơn.
Đọc sách cùng con là một cách dễ dàng khác để kết nối trẻ và trải nghiệm cuộc sống. Khi đọc, chúng ta tưởng tượng bằng cả trái tim và linh hồn chứ không chỉ bằng bộ não. Thậm chí cảm xúc của các nhân vật trong truyện có thể được chia sẻ sâu sắc hơn so với thể hiện trực tiếp ngay trước mặt bạn.
3. Bố mẹ làm gương cho con
Mỗi bố mẹ phải là hình mẫu của con. Mặc dù không thể kiểm soát hành vi của trẻ nhưng bố mẹ có thể tìm cách thể hiện sự tử tế. Trẻ sẽ bắt chước hoặc học theo chính những hành vi của bố mẹ từ khi còn nhỏ.
Điều quan trọng vẫn là cách chúng ta đối xử với con cái như thế nào. Chẳng hạn khi con cần xoa dịu, hãy sẵn sàng âu yếm con, hoặc bế con khi con cần vòng tay của mẹ hoặc đưa con quay lại cửa hàng để mua một món đồ chơi,… Bạn làm điều đó không phải vì đứa trẻ đang khóc mà thật lòng vì bạn muốn như thế. Sự tử tế cũng có nghĩa là mang đến cho con tình yêu thương dạt dào, sự khen ngợi, tiếng cười.
4. Khuyến khích hành động tử tế
Giúp con kết hợp giữa khái niệm trừu tượng với nhiều động từ cụ thể để diễn tả về nó: chia sẻ, tình nguyện, cho đi, an ủi, lắng nghe, xoa dịu, giúp đỡ, lắng nghe và nhận thấy khi ai đó cần giúp đỡ – chẳng hạn thành viên gia đình có việc vặt, một người lớn tuổi cần một chỗ ngồi trên xe buýt. Những thực hành nhỏ này sẽ giúp bé nuôi dưỡng lòng tốt và tạo nên những điều lớn lao hơn.
5. Chú ý đến tác dụng của lòng tốt
Hãy giúp con cảm nhận cảm giác được tử tế và cách người khác đáp lại. Đồng thời hãy muốn con chú ý khi nào mọi người đối xử tốt với trẻ, điều này sẽ tạo ra lòng biết ơn. Hãy coi lòng tốt và lòng biết ơn như hai sợi dây gắn kết tạo nên vòng xoáy của sự hạnh phúc. Về lâu dài, con sẽ nhận ra lòng tốt mang lại lợi ích cho tất cả mọi người – người thực hành và người nhận theo hàng triệu cách khác nhau. Hiểu tác dụng lòng tốt sẽ thôi thúc trẻ làm việc tử tế hơn.
Nguồn: Parent