4 triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ, mẹ bầu phải lưu ý

Rất nhiều triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thậm chí đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ và con.

0
1319

9 tháng thai kỳ là khoảng thời gian thiêng liêng của người mẹ với vô vàn cảm xúc. Trong đó có cả những nỗi lo về các triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi.

Việc nhận biết một số bất thường có thể xảy ra trong thai kỳ sẽ giúp mẹ chủ động đi khám và điều trị kịp thời để bảo vệ thai kỳ an toàn. 

1. Ra máu âm đạo

Mẹ bầu cần phải đi khám ngay khi thấy ra máu âm đạo để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh những hậu quả xấu. 

Nguyên nhân và triệu chứng của ra huyết âm đạo 3 tháng đầu thai kỳ

– Dọa sẩy thai (động thai): Huyết âm đạo sậm, có khi sậm đen kèm với đau vùng bụng dưới.

– Sẩy thai: Mẹ bầu đau bụng nhiều hơn, huyết âm đạo ra nhiều hơn máu kinh, có thể lẫn máu cục hoặc có cả khối nhau, thai.

– Thai ngưng phát triển (thai lưu): huyết âm đạo sậm, ít, siêu âm không thấy hoạt động của tim thai.

– Thai ngoài tử cung: Mẹ trễ kinh, đau bụng (đau lệch một bên hố chậu phải hoặc trái) và ra huyết âm đạo. Tình trạng này có thể gây sốc mất máu đe dọa đến tính mạng người mẹ. 

– Thai trứng: Ra huyết âm đạo, tử cung to hơn so với tuổi thai, có thể thấy nghén nhiều. Thai trứng gây sẩy thai tự nhiên hoặc có nguy cơ phát triển thành ung thư nguyên bào nuôi nếu không được phát hiện sớm.

– Bệnh lý của đường sinh dục: polype cổ tử cung, viêm âm đạo – cổ tử cung, ung thư cổ tử cung,… có thể diễn tiến bệnh nặng hoặc gây sẩy thai nếu không được điều trị sớm. Triệu chứng là ra máu đỏ tươi. 

Mẹ bầu cần phải đi khám ngay khi thấy ra máu âm đạo – Ảnh: rakluke

Nguyên nhân ra huyết âm đạo những tháng cuối thai kỳ

– Nhau tiền đạo: Huyết âm đạo tái phát nhiều lần trong thai kỳ, máu đỏ tươi, đóng cục. Nguy cơ có thể dẫn tới sinh non, băng huyết sau sinh, truyền máu, cắt tử cung.

– Nhau bong non: Mẹ bầu bị đau bụng nhiều, tử cung gò cứng như gỗ, gò liên tục, ra máu âm đạo sậm đen, lượng máu chảy ra ngoài có thể không nhiều nhưng có biểu hiện sốc mất máu. Tình trạng này có thể khiến thai chết trong bụng, người mẹ có thể sốc mất máu, nguy cơ cắt tử cung vì máu mất nhiều, phong huyết tử cung nhau.

– Vỡ tử cung: Ra máu âm đạo trong vỡ tử cung thường đỏ tươi.

– Bệnh lý đường sinh dục: polype cổ tử cung, viêm âm đạo – cổ tử cung, ung thư cổ tử cung,…

2. Ra nước âm đạo

Mẹ bầu cần phân biệt nước đó là huyết trắng, nước tiểu (do nước tiểu đọng trong âm đạo), hay nước ối. Ra nước âm đạo là nước ối là triệu chứng nguy hiểm trong thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám ngay vì vỡ ối sẽ có nguy cơ sa dây rốn, nhiễm trùng ối gây nguy hiểm mẹ và con.

  • Nước tiểu: Thấm ướt quần, đáy quần có màu vàng và mùi khai, thường có kèm triệu chứng són tiểu.
  • Huyết trắng: Đóng váng ở đáy quần, nhưng không thấm ướt quần. Ngoài ra còn có thể có triệu chứng ngứa, rát, huyết trắng hôi, tiểu rát, buốt,…
  • Nước ối: Thấm ướt quần, nhưng không có mùi khai, có thể màu trắng đục hoặc trắng trong, nếu có màu xanh thường có bợn lợn cợn xanh dính ở đáy quần 

3. Đau bụng

Đau bụng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu bình thường. Mẹ bầu cần đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau:

– Dọa sinh non, chuyển dạ sinh non: Đau bụng từng cơn, cùng với tử cung co

thắt, cơn đau đều đặn, thời gian đau ngày càng kéo dài và khoảng cách giữa các cơn đau ngày càng ngắn lại, mức độ đau ngày càng tăng lên, có thể kèm với tình trạng ra nước âm đạo hoặc ra nhớt hồng âm đạo.

– Viêm ruột thừa: Triệu chứng thường mơ hồ và khó chẩn đoán. Đau bụng vùng hố chậu phải hoặc vùng hông phải, đau âm ỉ, có thể kèm với sốt, tiêu phân lỏng, chán ăn.

– Viêm loét dạ dày – tá tràng: Thai phụ sẽ nặng lên nhiều. Đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng trên), đau nhiều khi đói, đau xót vùng sau xương ức, kèm với ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, có thể nôn ói, có khi ói ra máu.

Ngoài những dấu hiệu trên, mẹ bầu có thể nghỉ ngơi. Nếu tình 

4. Thai máy yếu

Thai máy hay cử động thai là những cử động của em bé trong bụng mà người mẹ cảm nhận được. 

  • Cử động giống như nhịp gõ vào thành bụng
  • Cảm giác thai búng búng trong bụng.
  • Cử động uốn tròn làm bụng méo lệch một bên

Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm nhận được thai máy vào tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Thông qua việc theo dõi cử động thai, mẹ sẽ xác định được tình trạng sức khỏe của thai nhi. 

Theo dõi thai máy giúp mẹ xác định tình trạng sức khỏe của con – Ảnh: smartparenting

Cách đếm thai máy: 

  • Nên đếm cử động thai 3 lần trong ngày (sáng, chiều, tối)
  • Mỗi lần đếm trong 1 giờ
  • Chọn lúc nghỉ ngơi, yên tĩnh
  • Tốt nhất là sau bữa ăn

Thai máy như thế nào là bình thường?

Trong 1 giờ có 4 cử động thai trở lên hoặc trong 4 giờ liên tiếp có trên 10 cử động thai.

Thai máy như thế nào là bất thường?

  • Thai nhi có dưới 3 lần cử động trong 1 giờ hoặc dưới 10 cử động trong 4 giờ.
  • Cường độ cử động thai yếu hơn những ngày trước
  • Thai quẫy đạp liên tục

Để có thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn an toàn, mẹ bầu cần tuân thủ khám thai định kỳ và tái khám theo lời dặn của bác sĩ. Bên cạnh đó mẹ cũng cần có chế độ chăm sóc, theo dõi sức khỏe bản thân và thai nhi, đi khám ngay khi có những triệu chứng bất thường trong thai kỳ.

(Ths. Bs Lê Văn Hiền – Phó Giám Đốc chuyên môn Bệnh Viện Phụ Sản Mêkông, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ)