4 thắc mắc thường gặp khi cho con bú và lời giải đáp khoa học

Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ có rất nhiều thắc mắc mẹ cần lời giải đáp khoa học và chính xác. 

0
1057

Việc nuôi con bằng sữa mẹ không phải lúc nào cũng thành công vì rất nhiều lý do khác nhau. Dưới đây là 4 thắc mắc thường gặp của mẹ khi cho con bú và lời giải đáp khoa học từ PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung – Chủ tịch hội Phụ sản TP.HCM sẽ giúp mẹ tự tin nuôi con bằng sữa mẹ. 

1. Có nên cho bé uống nước lọc sau khi bú mẹ?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có nghĩa là trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ mà không ăn hoặc uống thêm bất cứ một loại thức ăn hay chất lỏng nào khác, kể cả nước. Sữa mẹ đã có đến 85% là nước. Việc bú mẹ hoàn toàn đã có thể cung cấp nhu cầu về nước và dinh dưỡng cho bé, ngay cả trong những ngày nóng bức.

2. Cho bé bú bao nhiêu là đủ?

Số lần cho bé bú tùy thuộc vào nhu cầu của bé. Thời gian cho bú tùy theo từng bé nhưng không quá 30 phút. Khi no, bé sẽ tự rời vú mẹ. Sau khi bú xong một bên nếu bé chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia. Để đảm bảo bé được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết, bé cần được cho bú ít nhất 8 lần mỗi ngày. Điều này có nghĩa là cần cho bé bú cách mỗi 2 – 3 giờ.

  • Trẻ 1 tháng tuổi: cần được bú khoảng 500 – 600ml/ngày.
  • Trẻ 2 – 4 tháng tuổi: cần khoảng 700 – 800ml/ngày. 
  • Trẻ 5 – 6 tháng: cần 800 – 1000ml/ngày.

Ngoài ra, mẹ có thể tính lượng sữa cần thiết dựa trên cân nặng của bé: 150ml x số kg = lượng sữa/ ngày.

3. Cho bé bú vào buổi tối 

Việc cho bé bú mẹ vào ban đêm góp phần tạo sữa mẹ với dung lượng cần thiết cho bé. Việc bé đòi bú vào ban đêm chỉ diễn ra trong khoảng 6 tháng đầu. Sau 6 tháng tuổi, sinh lý cơ thể trẻ thay đổi nên không còn cần thiết phải cho bé bú về đêm. 

Tư thế cho bé bú tốt nhất là người mẹ ngồi thoải mái trên ghế, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Nếu sức khỏe mẹ yếu thì mẹ có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tuy nhiên nếu được thì hạn chế tối đa cho bé bú nằm vì vòi Eustache trong tai bé chưa hoàn chỉnh nên khi bé bú ở tư thế nằm nghiêng sữa dễ qua vòi này mà gây viêm tai giữa.

4. Duy trì sữa mẹ cho bé sau 6 tháng

Khi người mẹ bắt đầu đi làm trở lại thì sẽ không thể cho bé bú thường xuyên để duy trì nguồn sữa nữa. Giải pháp là mẹ hãy tăng cường cho bé bú đêm. Việc bú đêm vừa đảm bảo trẻ nhận được lượng sữa theo nhu cầu vừa kích thích tuyến sữa tiết sữa để sữa mẹ về dồi dào hơn. 

Nếu đi làm, mẹ có thể vắt sữa trữ lại ở nhà. Sữa nên được vắt vào bình nhựa hoặc thủy tinh. Sữa có thể trữ trong ngăn mát của tủ lạnh đến 72 giờ. Nếu trong ngăn đá có thể giữ được trong 2 tuần. 

Trước khi cho trẻ bú, sữa cần được làm nóng bằng cách ngâm bình vào nước ấm (không dùng nước sôi), chờ cho sữa nóng đều rồi đổ sang một bình mới đã được làm sạch rồi cho trẻ bú ngay. 

Lưu ý: Không hâm nóng bằng lò vi sóng vì sẽ làm mất chất dinh dưỡng, hủy hoại kháng thể có trong sữa. Để bình sữa ở ngăn sát ngăn đá, không để ở cánh cửa tủ lạnh vì nhiệt độ không ổn định. Điều chỉnh tủ lạnh ở nhiệt độ từ 0 – 40 C.

Nguồn: PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung – Chủ tịch hội Phụ sản TP.HCM, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ, tập 2.