14 cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè trời nắng nóng giúp bé dễ chịu

0
BỞI congdongbau

Nhiệt độ tăng cao trong những tháng hè có thể là thách thức trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Thời tiết nắng nóng có thể gây ra cảm giác khó chịu thậm chí là nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng liên quan đến thời tiết. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc các cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè để giữ cho bé luôn thoải mái, khỏe mạnh trong mùa nắng nóng.

 

Vì sao cần chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè?

Theo bác sĩ CKI Hà Thị Nga, Trung tâm sơ sinh, BVĐK Tâm Anh cho biết “Việc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè rất quan trọng. Nắng nóng mùa hè có thể gây nguy hiểm cho bé vì da bé dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Trong những năm tháng đầu đời khả năng tự làm mát bằng mồ hôi của em bé sơ sinh không ổn định vì vậy cha mẹ cần để ý và giữ thân nhiệt cho trẻ.”

Mùa hè nắng nóng kéo dài, độ ẩm cao cũng tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn phát triển mạng và gây bệnh đối với trẻ. Do sức đề kháng của bé trong giai đoạn này còn kém vì vậy trẻ dễ bị tấn công bởi các loại bệnh nếu không được chăm sóc đúng cách.

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè

Mọi bà mẹ đều luôn mong muốn dành những điều tốt nhất cho em bé của mình. Việc chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa hè cần kỹ lưỡng hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Dưới đây là một số cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè, giúp bé thoải mái và phát triển khỏe mạnh. (1)

1. Chăm sóc rốn

Chăm sóc rốn trẻ sơ sinh trong mùa hè, phụ huynh không được bôi hoặc đắp bất kỳ thứ gì lên rốn của trẻ. Giữ rốn luôn được sạch, khô thoáng. Thông thường từ sau 5-10 sau sinh rốn của em bé sẽ rụng.

Trong trường hợp rốn bé rụng muộn hơn 10 ngày sau sinh hoặc rụng sớm hơn trước 3 ngày, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được kiểm tra. Trong trường hợp thấy rốn bé có bất thường, tụ dịch, mủ, chảy máu, ướt… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa sơ sinh để được xử trí kịp thời.

Khi cuống rốn của em bé chưa rụng, cha mẹ lưu ý không để em bé trong chậu tắm vì có thể làm ướt rốn và tăng nguy cơ nhiễm trùng rốn. Dùng khăn mềm để lau khô người cho bé và dùng que gòn vô khuẩn để vệ sinh chân rốn của trẻ. Nếu không cần thiết, người chăm sóc không nên dùng tay sờ vào cuống rốn của bé.

2. Chăm sóc da

Da của em bé sơ sinh mỏng manh và độ đàn hồi kém vì vậy rất dễ bị tổn thương. Khi để em bé tiếp xúc hoặc lau, tắm rửa cha mẹ cần thực hiện nhẹ nhàng và tránh gây xây xước da bé.

Vào mùa hè, da trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng phát ban, nổi rôm sảy hoặc các kích ứng da khác. Để tránh vấn đề này, cha mẹ cần phải giữ cho da bé khô thoáng và mát mẻ. Một cách hiệu quả là sử dụng những loại vải nhẹ, thoáng khí như cotton cho bé. Cotton hiệu quả trong việc giúp không khí lưu thông, ngừa việc tích tụ mồ hôi và giảm nguy cơ phát ban do nhiệt độ.

Phụ huynh cũng lưu ý nên tránh sử dụng các loại kem, dầu trên da bé và mùa hè vì các sản phẩm này có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Thay vào đó hãy sử dụng những sản phẩm được kiểm nghiệm là dịu nhẹ và không gây kích ứng để làm sạch da của bé.

Trong trường hợp da của trẻ sơ sinh bị phát ban do nhiệt độ hoặc bị kích ứng da, mẹ có thể làm dịu vùng da bị kích ứng bằng cách dùng một miếng vải ẩm, mát hoặc tắm nước ấm cho bé. Tránh sử dụng nước nóng để tắm vì có thể làm tăng nặng tình trạng kích ứng da.

Điều quan trọng trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè là nếu em bé bị phát ban hoặc kích ứng da nhưng không cải thiện tình trạng khi áp dụng các phương pháp chăm sóc tại nhà, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.

làn da của bé mỏng manh nhạy cảm

Làn da của trẻ sơ sinh mong manh và nhạy cảm, vì vậy cha mẹ cần chú ý chăm sóc da bé.

3. Chăm sóc mắt

Khoảng thời gian mùa hè đến cuối thu là thời điểm bùng phát nhiều bệnh nguy hiểm trong đó có đau mắt đỏ. Vì vậy mẹ cần lưu ý chăm sóc mắt để ngăn ngừa việc lây nhiễm bệnh cho trẻ.

Theo bác sĩ CKI Hà Thị Nga “Thị giác sẽ được phát triển từ khi bé được sinh ra cho đến khi trẻ lên 6-7 tuổi. Trong 3 năm đầu thị lực sẽ phát triển 50% và đến khi trẻ lên 5 tuổi thị lực mới đạt được như người lớn. Vì vậy việc chăm sóc mắt trẻ từ giai đoạn sơ sinh rất quan trọng.”

Mắt là giác quan quan trọng và nhạy cảm trong những năm đầu đời. Vì vậy khi vệ sinh mắt cho bé cần được thực hiện nhẹ nhàng với bông gạc vô khuẩn và nước muối sinh lý chuyên sử dụng trong vệ sinh mắt ở trẻ sơ sinh. Phụ huynh nên vệ sinh mắt cho trẻ 3 lần 1 ngày bao gồm: buổi sáng sau khi trẻ thức dậy, sau khi trẻ tắm và buổi tối trước khi trẻ ngủ.

Thời tiết mùa hè nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, vì vậy khi trẻ phải ra ngoài và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, phụ huynh nên che chắn mắt bé cẩn thận, các tác nhân như khói bụi, ánh nắng gay gắt có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

vệ sinh mắt cho trẻ

Vệ sinh mắt 3 lần trong ngày giúp bảo vệ mắt trẻ sơ sinh.

4. Chăm sóc tai mũi

Khoang mũi của trẻ sơ sinh thường ngắn và nhỏ, đường mũi hẹp có nhiều mạch máu, niêm mạc mũi mỏng dễ bị tổn thương và khá nhạy cảm. Trong thời tiết hanh khô của mùa hè, trẻ dễ bị ngạt mũi, sổ mũi. Vì vậy, việc vệ sinh mũi hàng ngày rất quan trọng để bảo vệ bé phòng tránh được bệnh lý về đường hô hấp, giúp đường thở luôn thông thoáng và dễ chịu.

Trường hợp mũi trẻ có chứa dịch đặc hoặc có gỉ, cha mẹ nên nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý và mũi để làm mềm gỉ sau đó lấy bông tăm sạch để kích thích bé hắt hơi và tống hết phần dịch đặc ra ngoài.

Bên cạnh đó, tai là bộ phận mà nhiều bậc phụ huynh vô tình bỏ qua khi chăm sóc cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên đây là bộ phận thường tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn có thể gây bệnh ở tai. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc tai của bé, vệ sinh phía ngoài tai hàng ngày bằng khăn ấm, sau đó lau khô nhẹ nhàng.

Khi bé có quá nhiều ráy tai, cha mẹ nên lấy ráy tai cho trẻ. Lưu ý việc lấy ráy tai cần được thực hiện cẩn thận để không làm trẻ thấy khó chịu hoặc làm đau trẻ.

5. Chăm sóc miệng, lưỡi của bé

Chăm sóc vệ sinh miệng và lưỡi của bé là điều rất quan quan. Việc rơ miệng lưỡi sạch sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc mọc răng sau này của bé. Bên cạnh đó, vệ sinh miệng lưỡi cũng giúp ngăn ngừa các vi khuẩn xâm nhập gây bệnh và gây nên tình trạng hôi miệng ở trẻ.

Với trẻ sơ sinh, việc rơ lưỡi mỗi ngày quan trọng giống như việc chăm sóc răng miệng hàng ngày của người lớn. Mẹ nên lau miệng và rơ lưỡi cho bé sau khi bé bú, việc này vừa phòng các bệnh như nấm lưỡi, tưa lưỡi và giúp bảo vệ miệng bé luôn sạch sẽ, thoải mái.

6. Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ

Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho những dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng, tiêu chảy, bệnh về da, viêm não Nhật Bản, viêm phổi… Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch non nớt là đối tượng dễ bị tấn công bởi những bệnh lý nguy hiểm này.

Vì vậy để bảo vệ bé yêu trong mùa hè, cha mẹ cần tìm hiểu thông tin để nhận biết các triệu chứng khi bé bị bệnh, khi có những dấu hiệu cảnh báo dù là nhỏ nhất cũng không nên chủ quan, chậm trễ trong việc cho bé đi thăm khám và điều trị.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp hiệu quả để tăng cường miễn dịch cho trẻ ở những năm đầu đời. Bên cạnh đó phụ huynh nên cho bé tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh của bé.

7. Chăm sóc trẻ sơ sinh qua sinh hoạt

Chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè đòi hỏi các bậc phụ huynh cần tỉ mỉ, cẩn thận và nhẹ nhàng. Bên cạnh việc chăm sóc cơ thể bé, cha mẹ cần lưu ý về việc chăm sóc trẻ thông qua việc sinh hoạt hàng ngày như:

7.1 Không để nhiệt độ phòng dưới 26ºC

Điều hòa nhiệt độ được xem là cứu cánh cho mùa hè. Tuy nhiên bác sĩ khuyến cáo, nhiệt độ phòng dành cho trẻ sơ sinh không nên để dưới 26 độ. Khi cho bé nằm điều hòa, cha mẹ nên cho mẹ mặc đồ dài tay, chất liệu thoáng khí, đeo găng tay, tất chân, đội mũ và cho bé đắp chăn mỏng. Cần tránh hướng gió trực tiếp vào con vì có thể khiến bé lạnh.

Đối với em bé sơ sinh thân nhiệt của bé sẽ cao và nóng hơn so với người lớn vì vậy vẫn nên cho bé nằm điều hòa. Có điều phụ huynh cũng cần có những lưu ý khi cho em bé nằm điều hòa. Nên vệ sinh điều hòa thường xuyên, vì màng lọc điều hòa nếu không được vệ sinh sẽ rất bẩn và chứa nhiều bụi, khi cha mẹ bật điều hòa thì vô tình làm bụi bật ra và làm em bé ốm. Do đó bố mẹ cần lưu ý nên giữ vệ sinh máy điều hòa hàng tuần.

Bên cạnh đó, khi bé chuyển từ môi trường có điều hòa sang môi trường không có điều hòa có thể gây mất cân bằng nhiệt độ cơ thể bình thường. Vì vậy, bất cứ khi nào khi cha mẹ có ý định đưa bé rời khỏi phòng điều hòa để ra ngoài trời, hãy tắt điều hòa trước đó 15 phút, điều này sẽ giúp cơ thể có thể điều chỉnh sự thay đổi nhiệt độ tốt hơn.

7.2 Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên

Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên là điều không thể thiếu khi chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè. Trẻ sơ sinh thường có nhu cầu năng lượng và chuyển hóa cao hơn so với người lớn, vì vậy thân nhiệt của bé so với người lớn sẽ cao hơn từ 0.2 đến 0.5 độ.

Nhiệt độ da của trẻ sơ sinh nên duy trì ở khoảng từ 36-37 độ. Vậy nên phụ huynh cần kiểm tra thân nhiệt của bé thường xuyên và không tự hạ thấp nhiệt độ phòng theo cảm nhận của người lớn.

Cha mẹ cũng không cần ủ bé quá kỹ, việc ủ bé sẽ làm thân nhiệt tăng cao dẫn đến sốt và ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Vào mùa hè, phòng của em cần được thoáng gió, vệ sinh sạch sẽ và không để quá nhiều đồ trong phòng của bé.

kiểm tra thân nhiệt thường xuyên cho bé

Kiểm tra thân nhiệt của trẻ thường xuyên, tránh để bé quá nóng trong mùa hè.

7.3 Hạn chế cho bé ra ngoài vào mùa hè

Ánh nắng mặt trời gay gắt và những cơn mưa bất chợt của mùa hè có thể là tác nhân gây bệnh đối với trẻ sơ sinh. Thời gian tốt nhất để cho bé tắm nắng vào mùa hè là từ 6 giờ sáng đến 8h sáng. Việc tắm nắng giúp cung cấp vitamin D và phòng tránh còi xương ở trẻ.

Trong suốt khoảng thời gian còn lại phụ huynh không nên cho bé ra ngoài vì trẻ sơ sinh có xu hướng bị bỏng nắng nhanh hơn người lớn. Vì vậy nên giữ trẻ trong nhà khi giờ nắng cao điểm ( từ 10h sáng đến 4 giờ chiều), cố gắng cho bé chơi ở những khu vực mát mẻ và thông thoáng. Trong trường hợp cần di chuyển khẩn cấp, cha mẹ nên sử dụng tấm che nắng, che chắn bé cẩn thận trước khi ra ngoài.

7.4 Mùa hè, mẹ nên chú ý mặc quần áo cho bé

Thời tiết mùa hè sẽ khiến trẻ ra mồ hôi nhiều hơn, cũng như chịu nhiều ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Các kiểu quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi luôn là lựa chọn hàng đầu trong mùa hè dành cho trẻ sơ sinh.

Đối với chăm sóc trẻ sơ sinh và mùa hè mẹ chỉ nên chọn quần áo được làm từ sợi tự nhiên như cotton vì khả năng thấm hút mồ hôi tốt, thoáng khí và an toàn với làn da nhạy cảm của bé. Tránh các loại trang phục được làm từ sợi tổng hợp và nhân tạo vì khả năng thấm hút kém và dễ gây kích ứng trên da.

7.5  Con cần được tắm đúng cách

Tắm cho trẻ là bước quan trọng khi chăm sóc trẻ sơ sinh trong mùa hè. Trẻ sơ sinh khi được tắm đúng cách sẽ cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu và bé có xu hướng ngủ ngon hơn sau khi tắm. Vào mùa hè, mẹ có thể tắm cho bé tối đa là 2 lần trong ngày và trước khi tắm nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như chậu tắm, khăn sạch, tã lót và quần áo sạch.

Lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần sử dụng nước ấm, tránh nước quá nóng. Kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào nước. Khi tắm, phụ huynh đỡ nhẹ nhàng đầu của bé, sau khi tắm xong lau khô nhẹ nhàng vùng da em bé, đặt biệt ở những vùng da có nếp gấp. Khi tắm mẹ có thể sử dụng một số loại sữa tắm, dầu gội êm dịu và được kiểm chứng an toàn đối với trẻ sơ sinh.

không nên tắm quá 2 lần cho bé

Vào mùa hè, mẹ nên tắm cho bé tối đa 2 lần/ngày.

7.6 Cho bé ngủ đủ giấc

Giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh. Vì vậy cần đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ tốt. Thời gian ngủ của trẻ sẽ khác nhau theo từng độ tuổi, với trẻ sơ sinh thời gian ngủ có thể lên tới 16 giờ/ngày.

Các chất giúp kích thích tăng trưởng sẽ được não sản sinh trong khi bé ngủ. Vì vậy thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Một giấc ngủ ngon, đủ giấc sẽ giúp bé khỏe mạnh hơn, phát triển chiều cao và trí tuệ tối ưu.

Mùa hè có thể khiến bé khó đi vào giấc ngủ hơn vì thời tiết nóng ẩm. Tuy nhiên mẹ cần tập cho bé thói quen ngủ vào giờ cố định để tạo phản xạ nghỉ ngơi cho con. Việc tắm hoặc mát-xa vào buổi chiều, trước khi ăn tối cũng giúp bé thoải mái và dễ vào giấc hơn.

Bên cạnh đó, không gian ngủ của trẻ cần được yên tĩnh, tránh các tiếng ồn và ánh sáng mạnh khiến bé ngủ không sâu giấc và dễ thức giấc. Khi ngủ nên cho bé mặc đồ thoải mái, không quá chật, không để bé đói hoặc ăn quá no trước khi ngủ…

7.7 Sử dụng tã dán cho bé

Vào mùa hè hăm tã là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Vì vậy mẹ nên sử dụng những loại tã giấy được cơ quan thẩm quyền bảo đảm về chất lượng, có độ thấm hút tốt để giữ da của trẻ luôn được khô thoáng.

Lưu ý nên lựa chọn những loại tã giấy mềm, co giãn tốt và đúng kích cỡ của bé để không làm tổn thương da trẻ và tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi vận động cũng như khi ngủ.

7.8 Diệt muỗi – Cách chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè không thể thiếu

Điều quan trọng trong chăm sóc trẻ sơ sinh mùa hè là phải tránh xa muỗi và côn trùng cắn. Bé có thể bị muỗi chính hoặc côn trùng đốt gây tổn thương trên da, ngứa thậm chí là nhiễm trùng. Đặc biệt sốt xuất huyết có xu hướng bùng phát trong mùa hè vì vậy cha mẹ cần đặc biệt chú ý.

Mặc quần áo sáng màu là một trong những cách đuổi muỗi. Bên cạnh đó phụ huynh có thể sử dụng một số loại thuốc chống côn trùng, muỗi được chứng nhận an toàn với trẻ sơ sinh. Khi bé ngủ, cần giăng màn để bảo vệ bé khỏi bị côn trùng hoặc muỗi đốt.

7.9 Tiêm chủng cho trẻ

Khi còn trong bụng mẹ em bé sẽ được bảo vệ nhờ kháng thể truyền từ mẹ sang. Tuy nhiên sau sinh vài tháng lượng kháng thể này giảm dần và cơ thể non nớt của trẻ không tự phát triển để bù lại được.

Vì vậy trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để tạo kháng thể và tăng miễn dịch. Nếu không được tiêm phòng, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Hiện nay có trên 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vắc xin phòng bệnh, mẹ có thể cho bé đến trung tâm tiêm chủng trẻ em và người lớn VNVC hoặc đến BVĐK Tâm Anh để được tiêm ngừa.

Các câu hỏi thường gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh trời nắng nóng

1. Bạn có thể sử dụng dầu để mát xa cho bé không?

Mát xa cho trẻ là liệu pháp hỗ trợ cho sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. Việc mát xa đúng cách có thể mang lại lợi ích như giúp lưu thông máu cho trẻ, hoàn thiện chức năng da, làm cho trẻ dễ chịu, ngủ ngon hơn.

Việc mát xa cũng giúp tác động lên các tế bào máu, tạo miễn dịch phát triển. Mát xa vùng bụng giúp điều hòa nhu động ruột ở trẻ, chống đầy hơi và tăng tiêu hóa ở trẻ. Bên cạnh đó việc mát xa còn tăng cử động khớp, giúp cơ phát triển, đây cũng là hoạt động giúp cha mẹ gần gũi với em bé, gắn kết tình cảm và giúp phát triển ngôn ngữ ở trẻ.

Khi mát xa cho bé, cha mẹ rửa tay sạch, làm ấm tay, có thể sử dụng dầu mát xa cho bé. Các loại dầu mát xa cho trẻ cần được kiểm định và đảm bảo an toàn trên da của trẻ sơ sinh.

2. Bạn có thể sử dụng phấn rôm trên da của bé trong mùa hè không?

Phấn rôm có được sử dụng cho trẻ sơ sinh vào mùa hè không là điều mà nhiều cha mẹ quan tâm. Phấn rôm là sản phẩm ở dạng bột, được sử dụng giúp trẻ luôn sạch, thơm, khô thoáng, không bị rôm sảy hoặc mẩn ngứa do tã lót.

Tuy nhiên, cha mẹ cần lựa chọn những loại phấn rôm an toàn, được kiểm nghiệm bởi cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm (FDA) để sử dụng cho trẻ. Ưu tiên một số loại phấn rôm được điều chế từ tinh bột bắp, bột sắn dây hay bột yến mạch keo để sử dụng cho bé vì được chứng minh là an toàn hơn.

 Bên cạnh đó, một số lưu ý khi sử dụng phấn rôm trên da trẻ là:

  • Không dùng trực tiếp lên da của bé, mẹ nên đổ 1 ít phấn lên tay, sau đó xoa nhẹ nhàng. Không để phấn rôm tiếp xúc trực tiếp ở bộ phận sinh dục của bé.
  • Khi dùng phấn rôm không ngồi gần quạt hay cửa sổ để tránh tình trạng bột bị gió thổi bay và bé hít phải.
  • Không dùng quá nhiều tránh tình trạng tồn đọng phấn gây kích ứng cho trẻ.
  • Khi trẻ có tình trạng mẩn đỏ, ngứa, sưng nên ngưng sử dụng và cho trẻ đi khám bác sĩ.
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Gọi ngay
facebook Chat Facebook zalo Chat Zalo