Sự xuất hiện của thiên thần nhỏ sẽ gây xáo trộn ít nhiều đến cuộc sống của mẹ. Có 12 việc nếu bà bầu chuẩn bị sớm từ trong 3 tháng cuối không những giúp mẹ an tâm đón con yêu ra đời mà còn giúp mẹ tự tin trong vai trò mới của mình với nhiều bỡ ngỡ và thử thách đón chờ.
1. Theo dõi chuyển động thai nhi
Mẹ nên chú ý đến những cú đạp, nhào lộn của em bé. Hãy báo cho bác sĩ ngay nếu cảm thấy sự chuyển động bị giảm. Đây có thể là dấu hiệu bất thường của thai nhi cần được kiểm tra.
2. Tìm hiểu các lần khám thai và xét nghiệm
Mẹ bầu rất có thể sẽ được kiểm tra sức khỏe 2 tuần 1 lần từ tuần 28 đến 36 tuần, sau đó là mỗi tuần 1 lần cho đến khi sinh.
3. Tham gia các lớp học chăm con
Ngoài lớp học tiền sản, mẹ có thể cân nhắc tham gia thêm các lớp học chăm sóc bé như cách chăm trẻ sơ sinh, cách cho con bú, xử trí các vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh,…
4. Chuẩn bị việc cho con bú
Nếu dự định cho con bú sữa mẹ, hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về nó ngay từ trong 3 tháng cuối. Mẹ có thể học kinh nghiệm từ các mẹ đang cho con bú, đọc sách báo, tài liệu. Càng biết nhiều, me sẽ càng dễ dàng bắt đầu và càng thực hiện tốt hơn.
5. Cân nhắc về những quyết định quan trọng
Làm mẹ toàn thời gian hay vừa đi làm vừa chăm con? Nếu sinh con trai, có nên cắt bao quy đầu cho bé không? Có nên lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của bé? Đây một số quyết định quan trọng mà mẹ phải cân nhắc kỹ càng ngay từ bây giờ.
6. Sắp xếp một nơi an toàn cho con ngủ
Dù mẹ dự định cho con ngủ trong nôi hay ngủ chung với bố mẹ, điều quan trọng là phải tuân theo những hướng dẫn cơ bản để giảm nguy cơ đột tử sơ sinh (SIDS) cho bé.
7. Trò chuyện với thai nhi
Thai nhi 3 tháng cuối đã có thể cảm nhận và nghe được giọng nói của bố mẹ. Thường xuyên trò chuyện, đọc sách hay kể chuyện với em bé là một cách tuyệt vời để bắt đầu quá trình gắn kết với con ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
8. Tìm hiểu cách đối phó với cơn đau chuyển dạ
Cơn đau chuyển dạ với mỗi mẹ là một trải nghiệm khác nhau. Nếu muốn dùng thuốc hoặc bất kỳ phương pháp nào giảm đau khi chuyển dạ, mẹ hãy tìm hiểu ngay từ bây giờ.
9. Lên kế hoạch sinh con
Có nhiều vấn đề phát sinh sẽ nằm ngoài kế hoạch của mẹ. Tuy nhiên, sẽ hữu ích nếu mẹ đã lên kế hoạch sinh con trước như lựa chọn kỹ thuật kiểm soát cơn đau, ai sẽ theo mẹ vào phòng sinh, em bé có ở chung phòng với mẹ sau khi sinh hay không,…
10. Chuẩn bị đồ đi sinh
Tất nhiên, việc chuẩn bị đồ đi sinh không thể nào bỏ qua trong 3 tháng cuối. Ngoài những vật dụng cho mẹ và bé, mẹ còn cần chuẩn bị những loại giấy tờ cần thiết khác.
11. Đề phòng các biến chứng cuối thai kỳ
Thật không may, các biến chứng thai kỳ cũng xuất hiện trong 3 tháng cuối, bao gồm chuyển dạ sinh non và tiền sản giật . Hãy chú ý đến các triệu chứng và gọi ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.
12. Đối phó với cảm giác lo lắng
Vào những tháng cuối thai kỳ, nhiều mẹ bầu không tránh khỏi tâm lý bồn chồn, lo lắng, hồi hộp như khi nào chuyển dạ bắt đầu, diễn biến như thế nào, liệu em bé có ổn không,… Những nỗi sợ này là bình thường, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của mẹ trước sinh. Mẹ hãy cố gắng thư giãn bằng cách nghĩ về những điều tốt đẹp, về em bé sắp chào đời hoặc giải trí bằng một số việc nhẹ nhàng như đọc sách, nghe nhạc, vẽ tranh.
Nguồn: babycenter