Theo thống kê của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiếm trên 49% trong tổng số trẻ em trên toàn quốc.
Theo Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Phó khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, trẻ biếng ăn có biểu hiện như: ăn ít, ăn chậm, có thái độ từ chối hay hành vi phản kháng, nôn ói, xanh xao… và quan trọng là chậm lên cân (hoặc sụt cân) so với tiêu chuẩn theo tuổi.
I. Nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ
Hiểu được nguyên nhân trẻ biếng ăn sẽ giúp bố mẹ có hướng giải pháp khắc phục thích hợp.
Biếng ăn là tình trạng trẻ bị giảm hoặc mất hẳn cảm giác thèm ăn. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn:
– Vị giác của trẻ trong giai đoạn này mới bắt đầu được hình thành nên thức ăn phải được chế biến phù hợp. Cho bé ăn cơm sớm, nấu cháo thiếu chất, thiếu số lượng thực phẩm, nấu thịt quá cứng hoặc bị vón cục, nấu lâu, hâm đi hâm lại sẽ khiến bé không thích ăn;
– Hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu;
– Bé bị thiếu chất dinh dưỡng như đạm, lysin, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B…
– Bé biếng ăn do tâm lý sợ ăn;
– Bé biếng ăn do bệnh lý: Bé gặp khó khăn khi nhai, nuốt (bé bị viêm amidan, mọc răng, nấm lưỡi, áp xe nướu, viêm tuyến nước bọt…);
– Biếng ăn còn có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của trẻ như: thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng, các bệnh nhiễm khuẩn (rối loạn tiêu hóa, viêm xoang, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn tiết niệu…).
II. Ảnh hưởng sức khỏe đối với trẻ biếng ăn
1. Trẻ biếng ăn có hệ miễn dịch kém hơn
Trẻ biếng ăn thường ốm vặt, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là những căn bệnh về hô hấp như: viêm mũi dị ứng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy. Trẻ biếng ăn dễ mắc các bệnh hô hấp vì sức đề kháng của bé yêu do thiếu hụt dưỡng chất. Khi bệnh, trẻ lại càng biếng ăn hơn.
2. Trẻ biếng chậm phát triển thể chất, trí tuệ
Trẻ biếng ăn sẽ bị gầy, thấp lùn, còi xương, biến dạng xương đầu, ngực, tay, chân, trí não phát triển chậm hơn những đứa trẻ có chế độ ăn uống bình thường.
III. 11 giải pháp cho trẻ biếng ăn chậm lớn
Khi thấy trẻ biếng ăn, bố mẹ cần kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé xem bé có bị đau ở đâu không và kiểm tra thân nhiệt của bé. Nếu không có các dấu hiệu bệnh lý mà trẻ vẫn bị biếng ăn, bố mẹ cần tìm giải pháp khắc phục thích hợp. Dưới đây là một số giải pháp khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn theo hướng dẫn của Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Phó khoa sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ:
1. Chế biến các món ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo mùi vị thơm ngon, phù hợp với vị giác của trẻ, màu sắc bắt mắt, kích thích trẻ thích ăn;
2. Tập cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ;
3. Không nên cho trẻ ăn vặt nhiều;
4. Cho trẻ ăn trong không khí vui vẻ, không ép trẻ ăn quá mức và thô bạo. Việc này sẽ gây tâm lý sợ hãi cho trẻ;
5. Giữ thái độ bình thản nhẹ nhàng đút bé ăn, nếu bé có hành vi phản kháng thì nên kiên trì dỗ ngọt, nếu vẫn không được thì đem cất thức ăn này và thay bằng thức ăn khác, chọn món bé thích: sữa, bánh flan, sữa chua, váng sữa, kem, chè, bánh, trái cây… Nếu bé vẫn không ăn thì để vài tiếng nữa cho bé đói thì nấu món khác cho ăn;
6. Xem lại giờ ăn có hợp lý chưa, các bữa ăn có quá gần nhau không;
7. Đổi người cho ăn, đổi nơi ăn, đổi chén đẹp muỗng đẹp;
8. Thay vì cứ cắt rau củ, trái cây theo một hình dạng, bạn thử trang trí rau củ với nhiều hình dạng bắt mắt như: một cái mặt cười, một con mèo, một bông hoa… Hãy làm tất cả những gì bạn có thể để trông món ăn thú vị và hấp dẫn hơn;
9. Tạo cho bé một ít nước chấm bằng món ăn của bé, ví dụ một ít canh. Trẻ em rất thích chấm thức ăn và dường như chúng ăn dễ dàng hơn sau khi vọc món ăn đó;
10. Tạo nhiều màu sắc cho món cháo đơn điệu màu trắng bằng củ dền màu đỏ, bí đỏ màu vàng, khoai mỡ màu tím,…
11. Giúp bé cảm thấy hào hứng hơn với bữa ăn bằng cách đổi mới thực đơn của bé mỗi ngày (sáng: món này, trưa: món kia, chiều: món khác…).
Nguồn: Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Phó khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, trích sách Học làm mẹ cùng Bác sĩ, tập 2.